Phố Wall khởi sắc phiên 19/4 khi mùa công bố lợi nhuận doanh nghiệp khởi động

Ba chỉ số chủ chốt của thị trường chứng khoán Mỹ đồng loạt tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 19/4, ghi dấu phiên giao dịch tốt nhất trong hơn một tháng qua.

Chú thích ảnh
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Giới đầu tư phản ứng tích cực với các báo cáo lợi nhuận quý I/2022 và bình luận ôn hòa mới đây của hai quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về việc nâng lãi suất đã hỗ trợ thị trường.

Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 499,51 điểm (1,45%), lên 34.911,2 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tiến 70,52 điểm  (1,61%), lên 4.462,21 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi thêm 287,3 điểm (2,15%), lên 13.619,66 điểm. Đây là phiên giao dịch tăng điểm mạnh nhất của cả ba chỉ số này kể từ ngày 16/3.

Theo dữ liệu của Refinitiv, trong số 49 doanh nghiệp đầu tiên thuộc chỉ số S&P 500 báo cáo kinh doanh hàng quý, 79,6% đã vượt mức ước tính lợi nhuận, so với tỷ lệ thông thường chỉ là 66%. Điều này đã tạo nên tâm lý hung phấn cho các nhà đầu tư.

Đáng chú ý, giá cổ phiếu của Johnson & Johnson tăng 3,1% trong phiên này, lên mức cao kỷ lục phiên thứ hai trong ba phiên vừa qua, do lợi nhuận quý I/2022 của hãng dược phẩm này vượt kỳ vọng của thị trường và hãng đã tăng mức chi trả cổ tức.

Giá cổ phiếu của IBM đã tăng 2,4%, trước khi tăng thêm 1,8% theo báo cáo lợi nhuận mới nhất sau khi thị trường đóng cửa. Một số cổ phiếu lớn trong ngành công nghệ và truyền thông cũng tăng điểm vào phiên này. Cổ phiếu Disney và Netflix tiến 3,2%. Cổ phiếu Microsoft và Alphabet lần lượt tăng 1,7% và 1,8%.

Về dữ liệu kinh tế Mỹ, số lượng nhà xây mới và cấp phép xây dựng tháng 3/2022 cao hơn dự báo. Điều đó dường như đã thúc đẩy nhóm cổ phiếu xây dựng, với cổ phiếu D.R. Horton tăng 3,9%.

Thị trường năng lượng cũng góp phần hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư trong phiên này, với giá dầu và khí đốt đều giảm mạnh. Đà sụt giảm này có thể xoa dịu lo ngại của nhiều người về lạm phát.

Về thị trường trái phiếu, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt 2,94%, mức cao nhất kể từ năm 2018. Trong khi đó, lợi suất kỳ hạn 30 năm lần đầu tiên vượt 3% kể từ tháng 4/2019. Kỳ vọng nâng lãi suất đã tăng mạnh trong những tháng gần đây, mặc dù Fed cho biết sẽ phụ thuộc vào các dữ liệu kinh tế trong quyết định nâng lãi suất trong năm nay. Lo ngại về những động thái tiếp theo của Fed cũng đã dẫn đến biến động mạnh trên thị trường trái phiếu, điều này dường như đã gây áp lực lên cổ phiếu trong những tuần gần đây.

Tuy nhiên, trong phiên này, những bình luận ôn hòa hơn của Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago Charles Evans và Chủ tịch Fed chi nhánh Atlanta Raphael Bostic đã giúp “xoa dịu” mối lo ngại này.

Phiên này, tại thị trường Việt Nam, áp lực bán dâng cao về cuối phiên đã bất ngờ kéo chỉ VN-Index mất hơn 26 điểm. Đáng chú ý, tại thời điểm đóng cửa, toàn thị trường ghi nhận 164 mã giảm sàn, tập trung vào nhóm chứng khoán, bất động sản, ngân hàng. Cụ thể, VN-Index giảm 26,15 điểm xuống 1.406,45 điểm. Toàn sàn có 101 mã tăng, 371 mã giảm và 32 mã đứng giá. HNX-Index giảm 10,43 điểm xuống 392,69 điểm. Toàn sàn có 68 mã tăng, 183 mã giảm và 29 mã đứng giá. UPCoM-Index giảm 1,89 điểm xuống 108,32 điểm.

Minh Trang  (TTXVN)
Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ trong phiên 18/4
Chứng khoán Mỹ giảm nhẹ trong phiên 18/4

Thị trường chứng khoán Phố Wall giảm điểm trong ngày 18/4 sau một phiên giao dịch biến động, do giới đầu tư lo ngại về ảnh hưởng xấu của lãi suất tăng cao đối với nền kinh tế cũng như lo ngại về báo cáo lợi nhuận của các doanh nghiệp trong tuần này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN