Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,3% xuống 1.788,39 USD/ounce. Trong phiên giá kim loại quý này có thời điểm tăng lên mức cao nhất kể từ ngày 5/7 sau khi Mỹ công bố số liệu về chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ đóng phiên ở mức 1.813,7 USD/ounce.
CPI của Mỹ trong tháng Bảy đã không tăng so với tháng trước nhờ giá xăng giảm, dấu hiệu đầu tiên giúp người Mỹ được giải tỏa sau thời gian chứng kiến lạm phát leo thang chóng mặt trong hai năm qua.
Jim Wyckoff, nhà phân tích của chuyên trang về thị trường vàng Kitco Metals có trụ sở tại Canada nhận định, ban đầu thị trường vàng có phản ứng tích cực, khi số liệu lạm phát thúc đẩy kỳ vọng Fed sẽ nới tay với chính sách tăng lãi suất. Tuy nhiên, kim loại quý này đã chịu sức ép sau khi Chủ tịch chi nhánh Fed tại Minneapolis Neel Kashkari và Chủ tịch chi nhánh Fed tại Chicago Charles Evans khẳng định về lộ trình tiếp tục tăng lãi suất.
Chủ tịch Kashkari cho hay Fed sẽ cần tăng lãi suất lên 3,9% vào cuối năm và lên 4,4% vào cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát. Vàng được đánh giá là tài sản có xu hướng hoạt động tốt trong môi trường lãi suất thấp.
Ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) đã hạ dự báo đối với giá vàng, với đánh giá về mặt cấu trúc, vàng vẫn chịu sức ép do các yếu tố về tăng trưởng và thắt chặt tiền tệ.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 11/8, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 66- 67,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).