Bảng chỉ số chứng khoán tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh tư liệu: Kyodo/TTXVN
Kết thúc phiên này chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 0,6% lên 36.045,38 điểm, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,5% lên 22.119,41 điểm. Các thị trường Sydney, Singapore, Đài Bắc (Trung Quốc), Manila, Mumbai, Bangkok và Jakarta cũng tăng điểm.
Tuy nhiên, chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải lại giảm 0,2% xuống 3.279,03 điểm, thị trường Seoul và Wellington cũng giảm điểm.
Các thị trường chứng khoán đã phục hồi đáng kể so với đợt bán tháo mạnh cổ phiếu hồi đầu tháng, sau khi Mỹ linh hoạt hơn trong một số vấn đề thương mại và chính phủ các nước đang tích cực đàm phán với Mỹ. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết đã đạt được thỏa thuận thương mại và thuế quan với một quốc gia, dù không nêu rõ tên. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent nói rằng Mỹ đã đạt được tiến triển trong đàm phán với Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Dù thị trường đã phục hồi phần nào sau các đợt sụt giảm do tuyên bố áp thuế của Mỹ vào ngày 2/4, nhưng sự bất ổn vẫn bao trùm khi các quốc gia nỗ lực đàm phán với Mỹ để tránh những thiệt hại nặng nề từ chính sách thuế của nước này. Tuy nhiên, chuyên gia Charu Chanana tại Saxo cảnh báo rằng dữ liệu kinh tế sẽ tiếp tục xấu đi.
Các nhà giao dịch tỏ ra bình tĩnh trước thông tin hoạt động sản xuất ở Trung Quốc sụt giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn một năm do ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại. Dữ liệu vừa công bố cho thấy hoạt động sản xuất tại Trung Quốc đã giảm mạnh nhất trong hơn một năm.
Chuyên gia kinh tế hàng đầu Zhang Zhiwei của Pinpoint Asset Management cho biết, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất yếu trong tháng 4/2025 chủ yếu là do tác động từ cuộc chiến thương mại. Ông cũng nhận định rằng dữ liệu vĩ mô tại Trung Quốc và Mỹ sẽ còn yếu hơn nữa khi sự bất ổn trong chính sách thương mại khiến nhiều doanh nghiệp phải hoãn các quyết định đầu tư.
Những số liệu trên đã làm dấy lên lời kêu gọi Trung Quốc tung thêm các biện pháp kích thích kinh tế. Chuyên gia kinh tế hàng đầu Lynn Song tại ING lại nhận định rằng thuế quan là một cuộc chơi mà tất cả các bên đều thiệt hại. Tuy nhiên, xét tổng thể, dữ liệu khảo sát cho thấy cú sốc có thể không nghiêm trọng như những gì các nhà đầu tư bi quan lo ngại.
Giới đầu tư đang chờ đợi Mỹ công bố dữ liệu quan trọng về lạm phát và tăng trưởng kinh tế trong ngày hôm nay, trong khi báo cáo việc làm sẽ được công bố vào ngày 2/5.
Tuần này cũng là thời điểm công bố hàng loạt báo cáo lợi nhuận từ các "ông lớn" Phố Wall như Microsoft, Apple, Meta và Amazon. Những báo cáo này được kỳ vọng sẽ cung cấp cái nhìn sâu sắc hơn về cách các doanh nghiệp Mỹ đang ứng phó với tác động từ thuế quan và về triển vọng tương lai của họ.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đóng cửa nghỉ lễ.