Giới phân tích cho rằng, đây là tín hiệu tích cực giúp tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn trong tuần tới. Cùng đó, việc thị trường giảm 3 tuần liên tiếp khiến nhiều cổ phiếu đã thủng đáy tháng 5 và có mức chiết khấu cao, trở nên hấp dẫn như nhóm cổ phiếu chứng khoán, dầu khí, bảo hiểm, thép… Vì vậy, tuần tới có thể là cơ hội cho dòng tiền đến muộn.
Những tín hiệu tích cực
Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhận định, thị trường trong nước giảm sang tuần thứ 3 liên tiếp nhưng đã có những tín hiệu tích cực khi có triển vọng kiểm tra vùng đáy tháng 5 thành công, qua đó có thể hình thành mô hình 2 đáy đảo chiều.
Thanh khoản tuần này giảm mạnh, nhưng dòng tiền vẫn chọn được cơ hội đầu tư trên diện rộng dưới sự dẫn dắt từ các nhóm cổ phiếu như: ngân hàng, chứng khoán, thép, bất động sản, bảo hiểm, dầu khí…
Thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE tuần này giảm về mức thấp kỷ lục, tương đương giai đoạn cuối năm 2020, bình quân đạt hơn 11.000 tỷ đồng.
Về kỹ thuật, khi thị trường đã có nhóm trụ dẫn dắt và chỉ số VN-Index cũng không thủng đáy, tâm lý nhà đầu tư sẽ được hỗ trợ, qua đó tăng nhu cầu giữ lại cổ phiếu và người mua phải tự đẩy giá lên.
Nhìn chung, sau 3 tuần giảm liên tiếp, nhiều cổ phiếu đã thủng đáy tháng 5 và có mức chiết khấu cao, trở nên hấp dẫn như nhóm cổ phiếu chứng khoán, dầu khí, bảo hiểm, thép…
Bên cạnh đó, thị trường đang dần khép lại quý 2 với mùa báo cáo kết quả kinh doanh sẽ được công bố, nhiều nhóm cổ phiếu cơ bản đã điều chỉnh mạnh như nhóm sản xuất điện, bảo hiểm, dầu khí… nhà đầu tư có thể mua lại với giá tốt. Kể cả việc thị trường có “nhịp nhúng” qua đáy thứ 2 này cũng là cơ hội cho dòng tiền đến muộn, MBS nhận định.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), tuần qua (từ 20 - 24/6), ngưỡng cân bằng 1.200 điểm của VN-Index đã bị xuyên thủng ngay phiên đầu tuần. Đáng chú ý, áp lực bán đã tăng mạnh khi chỉ số VN-Index mất 1.200 điểm, kéo phiên đầu tuần giảm gần 37 điểm.
Chỉ số tiếp tục giảm điểm trong 2 phiên tiếp theo và kiểm định vùng đáy cũ tại 1.156 - 1.160. Điểm tích cực trong tuần là diễn biến hồi phục của VN-Index tại vùng đáy cũ, nhịp hồi phục đã giúp chỉ số chốt tuần tại 1.185,48 điểm. So với cuối tuần trước VN-Index để mất 31,82 điểm.
GAS là cổ phiếu ảnh hưởng lớn nhất đến đà giảm điểm của VN-Index khi giảm 14,9% kéo chỉ số giảm 10 điểm. Tiếp theo là VIC và VHM với mức ảnh hưởng 3,5 điểm và 3,1 điểm đến VN-Index.
Trong Top 10 ảnh hưởng tiêu cực đến chỉ số VN-Index, 2 cổ phiếu ngành điện là POW và REE cũng ghi nhận mức giảm mạnh lần lượt 15,5% và 13,1%. Ở chiều tăng điểm, đáng chú ý, VNM tăng 7,6% trong tuần đã giúp VN-Index tăng 2,8 điểm.
Khối ngoại tiếp tục mua ròng gần 300 tỷ đồng trong tuần, GAS dù giảm mạnh nhưng là mã được khối ngoại mua vào hơn 210 tỷ đồng và trở thành cổ phiếu được mua ròng nhiều nhất, tiếp theo là STB với giá trị mua ròng hơn 186 tỷ đồng. Bên phía bán ròng, HPG là cổ phiếu bị bán ròng nhiều nhất với giá trị 441 tỷ đồng.
Đà rơi của VN-Index đã mạnh hơn khi mốc 1.200 bị xuyên thủng. Ở góc độ kỹ thuật, việc VN-Index duy trì được vùng đáy trước đó từ 1.150 - 1.160 điểm là tín hiệu tích cực giúp tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn.
“Trong tuần sau chỉ số nhiều khả năng sẽ tiếp tục kiểm định ngưỡng này và chúng tôi đánh giá đây là diễn biến quan trọng cho xu hướng trung hạn của VN-Index”, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhìn nhận.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường đã trở lại vùng đáy của đợt điều chỉnh trước và P/E (Hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) thị trường vẫn chỉ quanh 12,5 lần. Nhiều doanh nghiệp niêm yết đang có định giá hấp dẫn, mặc dù chưa xác định được kịch bản đường đi của VN-Index, nhưng với nhiều cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt và đang được định giá khá hấp dẫn ở mặt bằng giá hiện tại là cơ hội giải ngân đối với nhà đầu tư dài hạn.
Dù nền kinh tế đang đối mặt bởi nguy cơ lạm phát, nhưng với đà hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng lợi nhuận khá ấn tượng, mặt bằng giá cổ phiếu hiện tại vẫn là cơ hội tốt để nhà đầu tư dài hạn tích lũy dần cổ phiếu.
Chứng khoán thế giới “thăng hoa”
Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm trong bối cảnh chứng khoán Phố Wall đã kết thúc một tuần giao dịch thăng hoa, khi các chỉ số chính đều tăng quanh mức 3% trong phiên 24/6.
Chứng khoán Phố Wall đã kết thúc một tuần giao dịch thăng hoa, khi các chỉ số chính đều tăng quanh mức 3% trong phiên 24/6 với triển vọng kinh tế suy yếu làm giảm kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ.
Phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 823,32 điểm (tương đương 2,7%) lên 31.500,68 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 116,01 điểm (3,1%) và kết thúc ở mức 3.911,74 điểm, đánh dấu mức tăng phần trăm theo ngày lớn nhất kể từ ngày 18/5/2020. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite cũng tăng 375,43 điểm (3,3%) lên 11.607,62 điểm.
Với mức tăng mạnh trong phiên cuối tuần 24/6, tính chung cả tuần, chỉ số Dow Jones ghi nhận mức tăng 5,4%, còn S&P 500 tăng 6,5% và Nasdaq tăng 7,5%. Như vậy, chỉ số Dow Jones và S&P 500 có mức trong tuần lớn nhất kể từ cuối tháng Năm, trong khi Nasdaq có tuần giao dịch tốt nhất kể từ tháng Ba.
Ông Dave Grecsek, Giám đốc chiến lược đầu tư và nghiên cứu tại công ty quản lý tài sản Aspiriant cho biết, thị trường hiện dường như tin rằng các dấu hiệu tăng trưởng chậm lại gần đây là lý do để Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) “nhẹ tay” hơn trong cuộc chiến chống lạm phát.
Theo chuyên gia này, nền kinh tế Mỹ thực sự có thể tránh được một cuộc suy thoái, nếu Fed bớt quyết liệt hơn trong việc tăng lãi suất để giảm lạm phát khi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại.
Dựa trên đánh giá của các quỹ giao dịch hợp đồng tương lai, các nhà đầu tư hiện thấy mức “đỉnh” cho lộ trình lãi suất chuẩn của Fed thấp hơn. Theo công cụ theo dõi biến động chính sách FedWatch của nền tảng giao dịch CME, giới đầu tư kỳ vọng lãi suất của Fed sẽ đạt đỉnh trong khoảng 3,25% - 3,50% vào tháng 12/2022, giảm từ mức 3,50% - 3,75% một tuần trước.
Thêm vào đó, các nhà đầu tư hiện nhận định Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất sau khoảng một năm kể từ thời điểm hiện tại.
Với việc chứng khoán Mỹ đang trên đà ghi nhận nửa đầu năm tồi tệ nhất trong hơn 50 năm qua, các nhà đầu tư đang nghiên cứu một loạt các chỉ số để xác định xem liệu những tháng tới có xuất hiện các yếu tố hỗ trợ cho thị trường hay không.
Không thể phủ nhận rằng nửa đầu năm 2022 là một giai đoạn đầy thách thức đối với các nhà đầu tư. Chỉ số S&P 500 giảm khoảng 18% tính đến thời điểm hiện tại, mức giảm nửa đầu năm tồi tệ nhất kể từ năm 1970 tới nay. Khi đó, Fed cũng thắt chặt chính sách tiền tệ trong cuộc chiến chống lạm phát chạm cao nhất trong nhiều thập kỷ.
Một yếu tố có thể duy trì đà tăng hiện thời của Phố Wall trong ngắn hạn là đợt tái cân bằng vào cuối quý, khi các nhà đầu tư tổ chức như quỹ hưu trí và quỹ tài sản quốc gia thu hút khoản tiền mặt kỷ lục để phân bổ cổ phiếu trở lại đúng với mục tiêu của họ.
Nhà phân tích Marko Kolanovic của ngân hàng JP Morgan cho biết hiện tượng đó có thể nâng đỡ thị trường tăng tới 7% trong tuần tới.
Còn ông Jack Janasiewicz, nhà chiến lược danh mục đầu tư của công ty quản lý đầu tư Natixis Investment Managers Solutions tin rằng thị trường nửa cuối năm có thể sẽ tốt hơn.
Ông bày tỏ ngày càng lạc quan hơn về cổ phiếu, đặc biệt là cổ phiếu suy yếu của nhóm các công ty công nghệ lớn vẫn có cân đối thu chi tốt. Một trong số đó là Alphabet, công ty mẹ của Google.