Một số chuyên gia tài chính đưa ra lời khuyên: Trong giai đoạn hiện tại, tâm lý của nhà đầu tư rất quan trọng. Nhà đầu tư cần bình tĩnh quan sát thị trường, tránh tâm lý hoảng loạn, bán tháo không cần thiết.
Chốt phiên sáng 20/1, VN-Index giảm nhẹ 0,64 điểm (-0,06%), xuống 1.130,36 điểm, với 151 mã tăng, nhưng có tới 297 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 728,3 triệu đơn vị, giá trị 14.833,7 tỷ đồng, giảm 12% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên giao dịch sáng 19/1.
Trong Top 6 mã vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ có BID giảm nhẹ 0,11%, còn lại đều tăng. Trong đó, VCB tăng 1,01% lên 100.000 đồng, khớp 1,83 triệu đơn vị; VIC tăng 1,56% lên 104.300 đồng, khớp 1,57 triệu đơn vị; VHM tăng 1,03% lên 97.800 đồng, khớp 3 triệu đơn vị; VNM tăng 0,93% lên 108.700 đồng, khớp 2,88 triệu đơn vị; GAS tăng 1,29% lên 86.100 đồng, khớp chưa tới 1 triệu đơn vị… So với sáng 19/1, phiên sáng 20/1, các mã cổ phiếu cũng giảm nhẹ hơn, mã giảm mạnh nhất là GVR chỉ mất 3,63% xuống 30.550 đồng; khớp 4,87 triệu đơn vị; VRE giảm 2,82% xuống 36.250 đồng, khớp hơn 6 triệu đơn vị…
Chốt phiên sáng 20/1, HNX-Index tăng 3,97 điểm (+1,77%), lên 227,99 điểm với 49 mã tăng, trong khi có tới 127 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 122 triệu đơn vị, giá trị 1.498,3 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể. Điều đáng chú ý là dù số mã giảm chiếm ưu thế, trong đó các mã trụ lớn nhất đều giảm nhưng HNX-Index lại đóng cửa tăng mạnh.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức ngày 20/1, chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết: Chuỗi tăng điểm ấn tượng của thị trường chứng khoán trong thời gian qua với việc VN-Index phá hết đỉnh này đến đỉnh khác, thì việc sụt giảm VN-Index từ ngày 19/1 đến sáng 20/1, cho thấy, sự phát triển chưa ổn định.
“Các yếu tố khiến kênh đầu tư chứng khoán đang hấp dẫn là do lãi suất huy động của ngân hàng giảm mạnh, nhiều người rút tiền ngân hàng để đầu tư cổ phiếu. Bên cạnh đó, GDP Việt Nam năm 2020 tăng 2,91%, tuy là mức tăng thấp nhất trong thập kỷ qua, nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19, Việt Nam vẫn tăng trưởng dương, thuộc nhóm tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới”, ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Đề cập về hệ thống giao dịch gần đây bị nghẽn, khiến các lệnh mua và bán được khớp nhỏ giọt, không thể hiện rõ tâm lý nhà đầu tư, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: Chứng khoán rất nhạy cảm, nên nghẽn mạng trong giao dịch thường khiến nhà đầu tư bất an nếu lặp lại nhiều lần. Không chỉ ở Việt Nam, trên thế giới cũng có những giao dịch bị sự cố nghẽn mạng, ví dụ do nhiều mã được đặt lệnh mua quá nhiều… Nhà đầu tư nên bình tĩnh lựa chọn những mã cổ phiếu có tiềm lực tài chính bền vững, doanh nghiệp phát hành uy tín, tránh mã chứng khoán có mức tăng đột biến, lịch sử hoạt động mới mẻ...".
Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), trong ngắn hạn, thị trường sẽ vẫn tiếp tục chịu áp lực bán trong những phiên tới, nhưng sẽ không còn mạnh như phiên ngày 19/1. Mặc dù duy trì quan điểm thị trường có thể tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh thêm 1-2 phiên, nhưng đại diện BVSC cho rằng: Thị trường sẽ có đợt phục hồi, nhà đầu tư không cần thiết phải bán bằng mọi giá trong 1-2 phiên tới.
Lý giải nguyên nhân thị trường "lao dốc" phiên 19/1, Giám đốc Phân tích đầu tư Công ty TNHH Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, ông Lê Quang Minh cho rằng: Tâm lý nghỉ Tết sớm bắt đầu xuất hiện trong nhóm nhà đầu tư cá nhân F0 (nhà đầu tư mới tham gia thị trường). Theo thống kê, nhà đầu tư cá nhân trong nước đã có xu hướng bán ra từ tuần trước (từ ngày 11-15/1) khi giá trị giao dịch bán ròng lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Khả năng trong tuần này vẫn có xu hướng bán ròng của nhóm nhà đầu tư này.
Theo ông Lê Quang Minh, thị trường chứng khoán trong những phiên gần đây gặp lực cản lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường. Cụ thể, về mặt thống kê, chỉ số VN-Index đã chạm mốc lịch sử 1.200 điểm, tương đương gần 2 lần độ lệch chuẩn của chỉ số PE (hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu) trung bình trong 10 năm gần đây. Lịch sử giao dịch cũng ghi nhận mỗi lần VNIndex chạm 2 lần độ lệch chuẩn của PE thì đều có xu hướng giảm mạnh mặc dù không có nguyên nhân gì rõ ràng, như từng xảy ra vào năm 2008. “Do vậy, trong ngắn hạn, cả hai yếu tố này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, khiến thị trường tiếp tục giảm điểm. Mức giảm điểm có thể lên tới từ 10-15% so với mốc điểm 1.200”, ông Lê Quang Minh dự báo.
Chủ tịch Ủy Ban Chứng Khoán (UBCK) Trần Văn Dũng khẳng định: Ưu tiên của UBCK là không để thị trường ngừng nghỉ một ngày, nếu cần thiết thì phải áp dụng biện pháp hành chính, nhưng khi áp dụng UBCK sẽ công bố lý do, hệ quả. Bộ Tài chính và UBCK đã chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) nâng lỗ chẵn từ 10 lên 100 cổ phiếu để hạn chế giao dịch lô lẻ từ ngày 4/1. Các công ty chứng khoán cũng phải rà soát, hạn chế lỗi phát sinh, hạn chế giao dịch tự do...