Dự toán tổng thu NSNN năm 2021 của ngành Tài chính được giao là 1.343.330 tỷ đồng. Tổng số chi NSNN là 1.687.000 tỷ đồng. Năm nay, Việt Nam vẫn phải tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp, các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa thể hồi phục, do vậy các giải pháp tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người nộp thuế vẫn được Bộ Tài chính tăng cường triển khai nhằm nuôi dưỡng nguồn thu.
Theo ông Cao Anh Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, dự toán thu NSNN năm 2021, Quốc hội giao cho cơ quan Thuế là 1.116.700 tỷ đồng. Để đạt được kết quả này, Tổng cục Thuế sẽ tập trung các giải pháp như: Mở rộng cơ sở thuế; tăng cường chất lượng thanh tra, kiểm tra; chống thất thu, buôn lậu, gian lận thương mại, quản lý chặt giá tính thuế, chống chuyển giá.
Năm 2021, ngành Thuế sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế như: Chuyển giá, ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng vốn...“Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục tổng hợp phân tích tình hình sản xuất kinh doanh, thu nộp NSNN; đồng thời phân tích sâu các rủi ro về thuế, lập kế hoạch chi tiết khi thanh tra, kiểm tra đối với từng doanh nghiệp. Trên cơ sở kết luận thanh tra, kiểm tra tại từng doanh nghiệp, Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn sẽ ghi lại những hành vi vi phạm chủ yếu của doanh nghiệp lớn thường gặp, nguyên nhân dẫn đến vi phạm trong lĩnh vực chuyển nhượng vốn”, ông Nguyễn Bằng Thắng, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế) cho biết.
Với ngành hải quan, quyết tâm phấn đấu thu đạt hơn 5% chỉ tiêu thu ngân sách được Quốc hội giao là 315.000 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, năm 2021 ngành hải quan tiếp tục cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, hướng tới hải quan số, ứng dụng công nghệ từ cách mạng 4.0 nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Ngành Hải quan cũng quyết liệt xử lý, cưỡng chế, thu hồi nợ đọng thuế theo quy định của pháp luật, công khai kịp thời các doanh nghiệp nợ thuế, giảm nợ đọng thuế, không để phát sinh nợ mới, không để nợ tại thời điểm 31/12/2021 cao hơn thời điểm 31/12/2020.
Để hoàn thành nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2021, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết: Bộ Tài chính sẽ điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, phối hợp đồng bộ, linh hoạt với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, Năm 2020, Bộ Tài chính đã gia hạn cho khoảng 185 nghìn lượt người nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho khoảng trên 6 triệu người nộp thuế với tổng kinh phí 130 nghìn tỷ đồng,
Tổng số thu cân đối NSNN năm 2020 của Bộ Tài chính đạt trên 1,5 triệu tỷ đồng, bằng 98% dự toán điều chỉnh bổ sung, tăng gần 184 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội, tỷ lệ động viên vào NSNN đạt khoảng 23,9% GDP.