“Tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh của DN tại thời điểm 31/12/2016 đạt 30,2 triệu tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm khu vực DN thu hút tăng thêm 16.4% vốn cho sản xuất kinh doanh”, ông Lâm cho hay.
Trong đó, khu vực dịch vụ hiện thu hút vốn chiếm tỷ lệ chi phối trong toàn bộ DN, tại thời điểm 31/12/2016 khu vực này thu hút tới 18,36 triệu tỷ đồng vốn cho sản xuất kinh doanh (chiếm 60,8% vốn của toàn bộ doanh nghiệp); khu vực Công nghiệp và xây dựng thu hút 11,56 triệu tỷ đồng vốn (chiếm 38,3% vốn của toàn bộ doanh nghiệp)...
Trong tổng số vốn, DN ngoài nhà nước thu hút tới 16,75 triệu tỷ đồng vốn tại thời điểm 31/12/2016, chiếm 55,5% vốn của toàn bộ DN. Các DN nhà nước mặc dù đang giảm về số lượng nhưng đều là các DN có quy mô lớn nên vốn thu hút vào sản xuất kinh doanh hiện nay vẫn còn khá lớn, tại thời điểm 31/12/2016 tổng vốn huy động vào sản xuất kinh doanh của các DN nhà nước là 8,36 triệu tỷ đồng (chiếm 27,7% tổng vốn của toàn bộ doanh nghiệp).
Những tỉnh có tốc độ thu hút vốn cho sản xuất kinh doanh tăng cao trong giai đoạn 2010-2016 gồm: Hà Tĩnh (tăng 55,0%), Thái Nguyên (45,7%); Trà Vinh (38,3%); Bắc Ninh (32,5%)...
Doanh thu, lợi nhuận tăng
Theo Tổng cục Thống kê, năm 2016 tổng doanh thu thuần của DN đạt 17,4 triệu tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm doanh thu của các DN tăng 15,1%. Trong đó, công nghiệp và xây dựng và dịch vụ là hai khu vực có quy mô lớn nhất về doanh thu, đồng thời là hai khu vực tạo ra khối lượng doanh thu năm 2016 khá tương đồng với 8,9 triệu tỷ đồng và 8,5 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, khu vực công nghiệp và xây dựng đang có tốc độ tăng doanh thu giai đoạn 2010-2016 cao hơn với mức tăng 17,0%/năm (trong đó ngành công nghiệp tăng 17,4%/năm), các doanh nghiệp dịch vụ tăng bình quân 13,5%/năm.
Các DN ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ doanh thu chi phối và có cơ cấu đóng góp ngày càng tăng trong toàn bộ DN. Năm 2016 tổng doanh thu do các DN ngoài nhà nước tạo ra được 9,76 triệu tỷ đồng (chiếm 56% doanh thu của toàn bộ DN).
Tuy không có được tỷ lệ doanh thu tạo ra cao, nhưng khu vực FDI lại có tốc độ tăng doanh thu nhanh nhất trong các thành phần kinh tế giai đoạn 2010-2016. Năm 2016 các DN FDI tạo ra 4,8 triệu tỷ đồng doanh thu, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm doanh thu của các DN FDI tăng 23,0%.
Các DN nhà nước đang trong giai đoạn giảm nhanh quy mô do chủ trương cổ phần hóa, sắp xếp lại nên doanh thu của các DN nhà nước tăng chậm hơn các thành phần kinh tế khác. Năm 2016 các DN nhà nước tạo ra 2,88 triệu tỷ đồng doanh thu, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm doanh thu của các DN nhà nước tăng 6,0%.
Về tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực DN năm 2016 đạt 712,947 nghìn tỷ đồng, bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm lợi nhuận toàn khu vực DN, tăng 12,3% (thấp hơn mức tăng của vốn 16,3% và doanh thu 15,1%).
DN FDI tạo ra lợi nhuận lớn nhất so với các thành phần kinh tế còn lại. Năm 2016, các DN FDI tạo ra 327,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 45,9% lợi nhuận của toàn bộ DN), tăng bình quân 17,3%/năm giai đoạn 2010-2016. Các DN ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ lớn nhất về số DN, lao động và vốn, nhưng chỉ tạo ra khối lượng lợi nhuận khiêm tốn. Năm 2016 các DN ngoài nhà nước tạo ra 188,1 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 26,4% lợi nhuận của toàn bộ DN), tăng bình quân 8,4%/năm giai đoạn 2010-2016. Năm 2016 các DN nhà nước tạo ra 197,4 nghìn tỷ đồng (chiếm 27,7% lợi nhuận của toàn bộ DN), tăng bình quân 9,4%/năm giai đoạn 2010-2016.
Đóng góp vào ngân sách nhà nước của khu vực DN năm 2016 đạt 962.2 nghìn tỷ đồng. Bình quân giai đoạn 2010-2016 mỗi năm khu vực DN đóng góp vào ngân sách nhà nước tăng 14,8%.