Chỉ có 8 trên tổng số 31 mặt hàng đóng cửa giữ được đà tăng; cùng với đó, mức giảm sâu của nhiều mặt hàng quan trọng đã kéo chỉ số MXV- Index giảm mạnh phiên thứ 2 liên tiếp, xuống mức 2.846 điểm.
Như vậy, đã qua 7 phiên kể từ khi đánh mất mốc hỗ trợ tâm lý 3.000 điểm, chỉ số hàng hoá này vẫn khó có thể lấy lại mức hỗ trợ tâm lý này. Mặc dù giá hàng hoá thế giới có sự suy yếu, dòng tiền đến thị trường vẫn có sự gia tăng. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt hơn 4.800 tỷ đồng, tăng nhẹ hơn 3% so với ngày trước đó, cho thấy tâm lý vững vàng của nhà đầu tư trong nước.
Giá kim loại đồng loạt lao dốc trước cam kết thắt chặt sau phiên điều trần
Giá các mặt hàng kim loạt đồng loạt suy yếu sau tâm điểm của phiên điều trần chủ tịch Fed, Jerome PowelL với Quốc hội về tình hình kinh tế và cuộc chiến chống lạm phát. Giá vàng tăng nhẹ 0,26% lên 1837,29 USD/ounce. Trong khi đó, giá bạc và bạch kim đều đóng cửa trong sắc đỏ với mức giảm hơn 1% xuống các mức giá lần lượt là 21,42 USD/ounce và 926,9 USD/ounce.
Tâm điểm của ngày hôm qua xoay quanh phiên điều trần của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell được chất vấn trước Quốc hội về những động thái kiềm chế lạm phát và những tác động tới nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, ông đã đưa ra “cam kết mạnh mẽ” trong việc hạ nhiệt giá cả, đồng thời cho rằng nền kinh tế Mỹ đang “đủ chặt chẽ để xử lý các đợt tăng lãi suất sắp tới”. Tuy nhiên, chủ tịch Fed cũng thừa nhận rằng các chính sách thắt chặt hiện tại có thế kéo theo suy thoái kinh tế, mặc dù đây không phải những gì Fed mong muốn, nhưng chắc chắn là một khả năng. Theo các nhà kinh tế được thăm dò bởi Reuters, một đợt tăng lãi suất 75 điểm cơ bản vào tháng 7 và 50 điểm cơ bản vào tháng 9 sẽ diễn ra. Sức ép này đã khiến giá kim loại đồng loạt lao dốc do lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng. Đồng USD vẫn đang dao động quanh mức đỉnh 2 thập kỷ và làm suy yếu vai trò trú ẩn của nhóm kim loại quý.
Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX đóng cửa ở mức giá 3,94 USD/pound (8.695 USD/tấn), mức giá thấp nhất kể từ tháng 3/2021 sau khi đánh mất 2,35% giá trị và nhiều khả năng thiết lập một thị trường giá xuống. Bất chấp các tín hiệu nguồn cung thắt chặt do ảnh hưởng của cuộc biểu tình của hơn 50.000 công nhân sản xuất đồng tại Coldeco, nhà sản xuất đồng lớn nhất thuộc sở hữu Chile, các tín hiệu cho một cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng và nhu cầu tiêu thụ yếu ớt do ảnh hưởng từ dịch bệnh của Trung Quốc đã đánh bại động lực tăng của giá đồng.
Trong khi đó, giá quặng sắt tiếp tục quay đầu giảm gần 6% xuống còn 108,14 USD/tấn sau các dữ liệu cho thấy triển vọng ngành thép tiêu cực do suy thoái bất động sản. Doanh số bán căn hộ và nhà ở mới đây cho thấy sự sụt giảm hàng năm trong 11 tháng liên tiếp - một kỷ lục kể từ khi Trung Quốc tạo ra một thị trường bất động sản tư nhân vào những năm 1990. Nhu cầu tiêu thụ đồng và sắt thép suy yếu tại đất nước sản xuất khổng lồ này đã liên tục tạo áp lực lên giá kim loại cơ bản.
Dầu thô giảm mạnh do áp lực về gia tăng nguồn cung và suy thoái kinh tế
Giá dầu giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm qua, khi thị trường tiếp tục lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế do Fed tăng lãi suất, cùng với các quyết tâm kiểm soát giá năng lượng của Nhà Trắng. Cụ thể, giá WTI giảm 3,04% xuống 106,19 USD/thùng trong khi giá Brent giảm 2,54% xuống 111,74 USD/thùng.
Dầu thô chịu áp lực bán mạnh từ phiên sáng, sau khi Nhà Trắng bày tỏ một loạt các biện pháp nhằm hạ giá xăng cho người tiêu dùng, như giảm thuế liên bang hay cuộc họp với các công ty năng lượng lớn nhằm tìm cách gia tăng nguồn cung cho thị trường. Thông tin trên thể hiện nỗ lực của Chính phủ Biden nhằm giảm áp lực chi phí năng lượng, ngay cả sau khi đã giải phóng một lượng lớn dầu từ kho dự trữ kể từ đầu tháng 5. Điều này cũng gây áp lực lớn cho thị trường, bất chấp tại thời điểm hiện tại, không có quá nhiều khả năng các công ty dầu khí Mỹ có thể nhanh chóng tăng sản lượng, khi hàng tuần số lượng các giàn khoan dầu khí chỉ tăng rất ít, và các giếng khoan đã đào xong nhưng chưa đi vào hoạt động cũng đang ở mức thấp.
Bên cạnh đó là các lo ngại của thị trường về sự suy thoái kinh tế. Citibank giờ kỳ vọng khả năng Mỹ bước vào đợt suy thoái kinh tế, tức là có 2 quý liên tiếp tăng trưởng GDP âm, lên đến 50%. Trước đó, các ngân hàng thương mại khác như Goldman Sachs, Nomura cũng lên tiếng cảnh báo xác suất nước Mỹ bước vào kỳ suy thoái đang tăng dần lên. Các lo ngại về tình hình thị trường chung gây áp lực lớn đến thị trường dầu thô, vốn có quan hệ mật thiết với nền kinh tế, với vai trò là nguồn cung năng lượng chủ đạo cho các hoạt động sản xuất và hoạt động giao thông. Trong phiên, giá dầu đã có lúc giảm đến gần 7 USD/thùng trước lực bán mạnh.
Dầu thô chỉ dần phục hồi khi thị trường bước vào phiên tối, và phát biểu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA cho biết các khoản đầu tư vào ngành năng lượng trong năm nay, dù tăng 8% lên mức 2,4 nghìn tỷ USD, cao hơn trước dịch COVID-19, nhưng cũng không đủ để hạ nhiệt giá, do các công ty chuyển hướng sang đầu tư vào năng lượng sạch và giải quyết khí thải. Bên cạnh đó, phát biểu trước Quốc hội, Chủ tịch Fed Jerome Powell có những nhận định lạc quan và tự tin vào sức khỏe của nền kinh tế Mỹ, đã giúp cải thiện tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường. Dollar Index giảm 0,23% xuống 104,2 cũng phần nào hỗ trợ giá phục hồi.
Rạng sáng nay báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ API cho thấy tồn kho dầu thô tăng mạnh 5,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 17/06. Thông tin này làm gia tăng khả năng giá dầu thô sẽ tiếp tục biến động mạnh, với xác suất giảm đang cao hơn, Bên cạnh đó, thị trường cũng sẽ quan tâm kết quả cuộc họp của Nhà Trắng với các công ty năng lượng lớn. Nếu kết thúc với cam kết, hoặc nỗ lực tăng sản lượng, dầu thô có thể tiếp tục chịu áp lực bán mạnh.