Thu giữ tang vật tại một cơ sở sản xuất phân bón giả ở Lâm Đồng. Ảnh: Phạm Kha/TTXVN |
Để giải quyết vấn đề này, các đại biểu tham gia Hội thảo quốc gia “Lập lại trật tự thị trường phân bón Việt Nam” do Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương tổ chức ngày 28/9 tại Hà Nội cùng đề xuất, nên giao cho một bộ quản lý, hoặc có thể thành lập ban chỉ đạo chuyên ngành do một Bộ làm đầu mối.
Đồng thời, cần nhanh chóng sửa đổi Luật 71/2014/QH13 về thuế và tổ chức tổng kiểm tra hệ thống quản xuất phân bón trên toàn quốc.
Hàm lượng dinh dưỡng là... bột đá vôiBức xúc với thực trạng thị trường phân bón Việt Nam hiện nay, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Nguyễn Hạc Thúy nhấn mạnh, trong khi nông nghiệp Việt Nam là ngành kinh tế quan trọng, thì phân bón Việt Nam lại phát triển tự phát. Từ việc quản lý đến sản xuất, phân phối hiện đang lộ nhiều bất cập; trong đó, vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng không chỉ gây thiệt hại cho nền kinh tế mà còn gây bức xúc cho người nông dân.
Qua điều tra trên 80% tỉnh, thành cả nước do Hiệp hội Phân bón Việt Nam thực hiện cho thấy, chỉ riêng tại Tp. Hồ Chí Minh có 491 công ty, chi nhánh về lĩnh vực phân bón thì có tới 267 đơn vị sản xuất phân bón. Chính những nơi này là “vùng trũng” phát sinh vấn nạn sản xuất phân bón giả, phân bón kém chất lượng.
Tại các tỉnh, thành phố khác qua kiểm tra cho thấy có Công ty TNHH Việt Thái (Đồng Nai) đăng ký chất lượng dinh dưỡng trên giấy phép và bao bì NPK hàm lượng dinh dưỡng 53%, nhưng kiểm định tổng hàm lượng dinh dưỡng chỉ có 7,2%.
Một số công ty như Công ty cổ phần Quốc tế Đông Trung đa yếu tố (Lâm Đồng), Công ty Đông Hải (Đà Nẵng), Công ty cổ phần Đầu tư khoa học kỹ thuật và công nghệ Việt Pháp Hà Nội cũng xảy ra tình trạng tương tự. Kết quả giám định mẫu tại Viện Khoa học hình sự Bộ Công an cũng cho thấy, tổng hàm lượng dinh dưỡng trong phân NPK chỉ có 1,9%, còn lại là bột đá vôi.
Đáng chú ý, tình trạng này không chỉ phát triển ở các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ mà còn phát triển ở các đại lý kinh doanh phân bón, thậm chí ở các phòng kiểm nghiệm, kiểm định. Qua kiểm tra 11 trung tâm khảo nghiệm kiểm định là tổ chức khoa học, mang tính công bằng, pháp lý thì 100% đơn vị này đều vi phạm các nghị định và thông tư về quản lý khảo nghiệm phân bón; hay cấp khống, cấp sai hàng chục nghìn mẫu phân bón cho hàng trăm doanh nghiệp.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 Quốc gia) nói thêm, thị trường phân bón “lệch lạc” như hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân; trong đó có sự quản lý chồng chéo giữa giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương và chế tài xử phạt chưa đủ sức răn đe.
Bổ sung, ông Nguyễn Huy Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong thế giới hiện chỉ có khoảng 300 sản phẩm phân bón thì tại Việt Nam con số này lên tới 7.000 sản phẩm. Với nhiều sản phẩm như vậy, dù là người có chuyên môn cũng khó có thể nhận biết được đâu là phân bón thật, đâu là phân bón giả. Vì chế tài xử phạt còn nhẹ nên tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn, thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
Không chỉ vậy, từ khi thực hiện Luật 71/2014/QH13, nhiều bộ, ngành, tập đoàn, doanh nghiệp đã đề nghị sửa đổi luật này vì nông dân không có lợi còn doanh nghiệp bị thiệt hại.
Phân tích về điều này, ông Thúy cho biết, theo Luật 71/2014/QH13, nông dân được giảm thuế VAT 5% khi mua phân bón trong khi đó các doanh nghiệp kinh doanh phân bón khi mua nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất thì không được khấu trừ từ thuế VAT nên buộc doanh nghiệp sản xuất phải cộng vào giá thành, dẫn đến giá phân bón cao hơn và người nông dân phải chịu. Không những vậy, Luật 71/2014/QH13 cũng góp phần dẫn đến việc phân bón nhập khẩu giá rẻ ồ ạt tràn vào trong nước.
Thực tế chứng minh, từ khi Luật 71/2014/QH13 có hiệu lực vào tháng 1/2015, nhập khẩu phân ure đã tăng hơn 3 lần so với năm 2014 với sản lượng 652.000 tấn. Riêng 7 tháng năm 2016, lượng ure nhập khẩu đã gần 360.000 tấn, tăng hơn 3,5 lần so với cùng kỳ năm 2015.
Việc nhập khẩu ồ ạt này khiến cho nhiều nhà máy trong nước như Đạm Ninh Bình, DAP Đình Vũ và DAP Lào Cai bị thiệt hại trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016 khoảng 2.042 tỷ đồng do phải giảm mạnh sản lượng sản xuất vì không cạnh tranh nổi với hàng nhập khẩu.