Qua đó, những cổ phiếu trong diện thoái vốn của SCIC đã có cơ hội bật tăng mạnh mẽ, thậm chí có nhiều cổ phiếu lập đỉnh trong nhiều năm.
VNM lập đỉnh lịch sử sau thoái vốn Ngay sau khi SCIC thông báo giá khởi điểm chào bán cạnh tranh 3,33% cổ phần, tương ứng 48,4 triệu cổ phiếu tại Công ty cổ phần Sữa Việt Nam - Vinamilk (mã chứng khoán: VNM) là 150.000 đồng/cổ phiếu, lập tức giá cổ phiếu VNM trên sàn tăng rất mạnh. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/11, VNM tăng từ 151.000 đồng/cổ phiếu lên mức giá 155.000 đồng/cổ phiếu.
Nhà đầu tư theo dõi giao dịch tại sàn giao dịch Công ty Chứng khoán Vietcombank. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN |
Tại phiên chào bán vốn cổ phần nhà nước của VNM ngày 10/11, cổ phiếu này rất nhanh chóng được kéo lên mức giá trần. Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/11, VNM có giá 173.800 đồng/cổ phiếu và khớp lệnh lên đến hơn 9 triệu cổ phiếu.
Đặc biệt, khối ngoại phiên giao dịch hôm đó cũng mua ròng đột biến mã VNM với hơn 1.097,5 tỷ đồng, tương ứng với 6,45 triệu cổ phiếu. Toàn bộ giao dịch này của khối ngoại đều được thực hiện thông qua phương thức khớp lệnh.
VNM lập đỉnh lịch sử vào ngày 21/11 với 195.700 đồng/cổ phiếu, tăng 60% so với đầu năm và gấp 43,5 lần kể từ khi chào sàn vào tháng 1/2006.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 30/11, VNM có mức giá 186.700 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 23,6% trong vòng 1 tháng qua.
Khối ngoại cũng gom mạnh cổ phiếu VNM với số lượng mua ròng khoảng 16 triệu đơn vị trong tháng 11 và giá trị mua ròng khoảng 2.747,7 tỷ đồng.
Sức hút thoái vốn SAB Tiếp sau sự thành công của việc bán vốn cổ phần nhà nước tại VNM, ngày 29/11, Bộ Công Thương công bố thông tin đợt chào bán tiếp 343.662.587 cổ phần Nhà nước của Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn- Sabeco (mã cổ phiếu: SAB), tương ứng 53,59% vốn điều lệ. Theo đó, Bộ Công Thương công bố giá khởi điểm chào bán cổ phần Sabeco là 320.000 đồng/cổ phiếu.
Sau thông tin công bố, cổ phiếu SAB đã tăng mạnh tới 19.000 đồng/cổ phiếu, đạt mức 339.000 đồng/cổ phiếu, trở thành cổ phiếu có giá cao nhất thị trường.
Cổ phiếu này cũng đã phá kỷ lục thị trường trong 10 năm và bỏ xa các cổ phiếu có thị giá cao trên thị trường như CTD của Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons, VCS của Công ty cổ phần VICOSTONE chuyên sản xuất, kinh doanh đá ốp lát nhân tạo gốc thạch anh, VCF của Công ty cổ phần Vina Café Biên Hòa, ROS của Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros… Hiện các cổ phiếu này đều có thị giá trên dưới 200.000 đồng/cổ phiếu.
Trong 11 tháng (phiên giao dịch từ 3/1- 30/11), cổ phiếu SAB đã tăng hơn 67%. Theo giới phân tích, với lợi thế chiếm khoảng 40,9% thị phần và là doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất ngành bia Việt Nam, Sabeco được đánh giá là doanh nghiệp có mã cổ phiếu hấp dẫn trên thị trường hiện nay.
Dẫn chứng cụ thể, giới phân tích chỉ ra rằng, mức giá tham chiếu bình quân của 30 phiên trên thị trường chứng khoán vào trước thời điểm công bố thông tin về việc bán vốn Nhà nước tại Sabeco là 281.500 đồng/cổ phiếu; mức giá cao nhất theo định giá của tư vấn là 184.700 đồng/cổ phiếu; còn mức giá đóng cửa của ngày giao dịch trước ngày công bố thông tin (29/11) là 320.000 đồng/cổ phiếu. Nếu chào bán thành công 343.662.587 cổ phần Nhà nước tại Sabeco, tương ứng 53,59% vốn điều lệ, ước tính Bộ Công Thương có thể thu về tối thiểu 109.971 tỷ đồng (tương đương tỷ 4,8 tỷ USD).
Tuy nhiên, nếu quan sát diễn biến cổ phiếu Sabeco kể từ ngày lên sàn đến nay, cổ phiếu SAB luôn trong tình trạng kém thanh khoản dù đây là cổ phiếu có quy mô vốn hoá lớn thứ 2 trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ xếp sau cổ phiếu VNM của Vinamilk.
Trong tháng 11, cổ phiếu SAB cũng bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng với khối lượng khoảng 120.300 cổ phiếu, với giá trị bán ròng trên 35,38 tỷ đồng. Ngay cả trong phiên giao dịch ngày 29/11, khi Bộ Công Thương công bố thông tin thoái vốn thì cố phiếu này vẫn giao dịch khá khiêm tốn, ở mức chưa tới 115.000 cổ phiếu. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên 28.470 cổ phiếu SAB, tương ứng với giá trị bán ròng đạt hơn 9,6 tỷ đồng.
Dồn dập thoái vốn Vừa qua, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) cũng đã tổ chức Roadshow giới thiệu thông tin chào bán cổ phần tại 4 doanh nghiệp gồm: Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP); Công ty Nhựa Bình Minh (BMP); Công ty Xuất nhập khẩu Y tế Domeso (DMC) và Công ty cổ phần Viễn thông FPT (FPT).
Đây là những doanh nghiệp đang nằm trong top 30 công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo đó, SCIC sẽ triển khai kế hoạch chào bán cạnh tranh cổ phần tại Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong với tỷ lệ 37,1%; Nhựa Bình Minh là 29,51%; Domeso là 34,71% và FPT là 5,96%.
Dưới tác động của những thông tin trên, các cổ phiếu này có mức tăng trưởng rất mạnh. Theo chuyên gia cao cấp chiến lược thị trường Công ty chứng khoán MB - MBS Nguyễn Việt Đức, nhiều nhà đầu tư hy vọng các cổ phiếu thuộc diện thoái vốn của SCIC sẽ có được thành công như cổ phiếu VNM.
Có thể thấy, cổ phiếu VNM đã tăng mạnh kể từ khi SCIC công bố thoái vốn cổ phần tại Vinamilk (ngày 31/10). Cổ phiếu này đã tăng từ 151.000 đồng/cổ phiếu (kết thúc phiên giao dịch ngày 31/10) lên 186.700 (kết thúc phiên giao dịch ngày 30/11. Như vậy trong 1 tháng, sau khi công bố thông tin thoái vốn giá cổ phiếu VNM đã tăng tới trên 23,6%.
“Chính điều này đã kích hoạt làn sóng tăng giá cho nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn khác, đặc biệt là những cổ phiếu thuộc diện thoái vốn của SCIC và kích thích đà tăng trên thị trường chứng khoán”, ông Đức nói.
Không nằm ngoài xu thế tăng của thị trường và xu thế tăng của nhóm cổ phiếu thuộc diện thoái vốn nhà nước, cổ phiếu DMC của Công ty Xuất nhập khẩu Y tế Domeso tăng đều đặn từ đầu năm đến nay.
Nếu như phiên giao dịch đầu năm 3/1, DMC ở mức giá 66.420 đồng/cổ phiếu, thì kết thúc phiên giao dịch ngày 30/11 cổ phiếu DMC ở mức giá 128.000 đồng. Như vậy DMC đã tăng trưởng tới gần 92% trong 11 tháng qua. Đáng chú ý, cổ phiếu DMC được nhà đầu tư nước khá ưu ái khi mua ròng 16.170 cổ phiếu trong vòng 1 tháng qua, với giá trị mua ròng đạt khoảng 1,67 tỷ đồng.
Quan sát diễn biến thị trường có thể thấy, trong 1 tháng qua cổ phiếu FPT đã có sự tăng trưởng khá. Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/11 cổ phiếu này có giá 50.800 đồng nhưng kết thúc phiên giao dịch ngày 30/11 đã tăng lên mức giá 58.400 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức tăng trưởng gần 15% trong vòng 1 tháng qua.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài cũng đang bán ròng nhẹ cổ phiếu FPT trong tháng 11. Cụ thể nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 16.620 cổ phiếu, với giá trị bán ròng đạt gần 1 tỷ đồng.
Nhờ thông tin SCIC sẽ thoái vốn tại Nhựa Bình Minh trong năm 2017 và việc cho phép nới room ngoại lên 100%, cổ phiếu BMP đã có sự tăng trưởng khá ấn tượng, dù kết quả kinh doanh quý III không thực sự thuyết phục.
Trong 1 tháng trở lại đây, cổ phiếu này đã tăng mạnh từ mức giá 72.860 đồng (giá mở cửa phiên giao dịch ngày 1/11) lên mức giá 96.000 đồng/cổ phiếu (giá đóng cửa ngày 30/11). Như vậy trong tháng 11, BMP đã tăng trưởng tới gần 32% .
Tuy có mức tăng giá ấn tượng, nhưng cổ phiếu này cũng bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khá mạnh. Cụ thể nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 11 đã bán ròng 653.240 cổ phiếu BMP, với giá trị bán ròng đạt khoảng 68 tỷ đồng.
Cũng nằm trong kế hoạch thoái vốn trong năm 2017, cổ phiếu NTP của Công ty cổ phần Nhựa Thiếu niên Tiền Phong đã tăng mạnh trong tháng vừa qua từ 72.800 đồng, để đạt đỉnh giá trong vòng 1 năm qua ở mức 87.700 đồng (phiên giao dịch ngày 29/11).
Kết thúc phiên giao dịch ngày 30/11 cổ phiếu này điều chỉnh xuống mức giá 85.600 đồng/cổ phiếu. Mặc dù có sự tăng trưởng khá tốt, nhưng NTP cũng bị khối ngoại bán ròng khá mạnh trong tháng vừa qua với 309.207 đơn vị. Giá trị bán ròng đạt khoảng 25,5 tỷ đồng.
Với các diễn biến trên, chuyên viên môi giới chứng khoán Nguyễn Văn Hanh đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn- Hà Nội (SHS) cho rằng, việc giá và khối lượng giao các cổ phiếu trong diện thoái vốn của SCIC tăng trưởng mạnh, nhưng vẫn bị nhà đầu tư nước ngoài bán ròng. Có thể giải thích đơn giản là nhà đầu tư nước ngoài đã mua các cổ phiếu này ở vùng giá thấp, khi cổ phiếu lên giá nhà đầu tư nước ngoài muốn bán chốt lời là điều hết sức bình thường.