Giới phân tích cho rằng, cùng với xu hướng giảm lãi suất rõ nét hơn, hàng loạt các chính sách thúc đẩy tăng trưởng sẽ đồng thời thẩm thấu vào nền kinh tế. Do đó, triển vọng thị trường chứng khoán nửa cuối năm 2023 được dự báo lạc quan hơn.
Tính đến hết ngày 30/6, chỉ số VN-Index là 1.120,18 điểm, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 11,2% so với đầu năm. Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), VN-Index nằm trong nhóm các thị trường có mức tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2023. Mức tăng trưởng vượt bậc so với các thị trường lân cận trong khối ASEAN.
Mức tăng giá của chỉ số VN-Index được dẫn dắt bởi những nhóm ngành như chứng khoán, đầu tư công, xây dựng và vật liệu xây dựng. Đây đều là những nhóm ngành được hưởng lợi nhờ xu thế nới lỏng tiền tệ và các chính sách thúc đẩy phục hồi kinh tế gần đây của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
Nhìn lại thị trường chứng khoán Việt Nam quý I, thị trường đi lên tích cực trong tháng 1, trước khi giảm xuống khá thấp trong tháng 2 và phục hồi nhẹ trong tháng 3.
Sự biến động của thị trường trong quý I/2023 đến từ các yếu tố tác động từ môi trường quốc tế và trong nước, các yếu tố này đan xen và tạo ra những tác động theo các chiều hướng khác nhau đến thị trường.
Trong khi, việc Trung Quốc mở cửa trở lại nền kinh tế vào tháng 1 được xem là tác động tích cực, kéo thị trường tăng thì việc lãi suất toàn cầu tăng cao, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư cũng như tạo xu hướng rút vốn khỏi thị trường mới nổi; trong đó có Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài được xem là nguyên nhân chính dẫn đến sự đi xuống của thị trường trong tháng 2.
Xét tổng thể trong quý I/2023, các chỉ tiêu như chỉ số chứng khoán, vốn hóa thị trường ghi nhận sự tăng trưởng so với thời điểm cuối năm 2022, đặc biệt là giá trị mua ròng lớn của khối ngoại so với cùng kỳ. Tuy nhiên, thanh khoản, số nhà đầu tư mới gia nhập lại ghi nhận sự sụt giảm đáng kể.
Theo MBS, từ cuối tháng 3/2023, sau khi Ngân hàng Nhà nước bắt đầu cắt giảm lãi suất điều hành, thanh khoản trên thị trường đã bắt đầu tăng. Mức thanh khoản trong giai đoạn tháng 4 và 5/2023 tăng lên trung bình xấp xỉ 20% so với 3 tháng đầu năm. Đặc biệt kể từ đầu tháng 6, thanh khoản đã tăng lên đột biến, có nhiều phiên thị trường giao dịch trên 20.000 tỷ đồng.
Mặc dù vậy, theo Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, nhà đầu tư ngoại tiếp tục bán ròng trong tháng 6 (400 tỷ đồng); dù lũy kế 6 tháng đầu năm vẫn mua ròng 1,9 nghìn tỷ đồng (82 triệu USD).
Mức mua ròng này của Việt Nam vẫn thấp hơn của Đài Loan (Trung Quốc) với 11,5 tỷ USD, Hàn Quốc (8 tỷ USD), Indonesia (1,1 tỷ USD)... Trong khi đó, một số nước trong khu vực ghi nhận sự bán ròng như Thái Lan (3,2 tỷ USD), Malaysia (0,9 tỷ USD), Philippines (0,5 tỷ USD)...
Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Khối nghiên cứu, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thị trường chứng khoán hồi phục do được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô như lãi suất có xu hướng giảm, cùng hàng loạt các biện pháp tháo gỡ khó khăn, kích thích tăng trưởng mà Chính phủ đã thực hiện.
Xu hướng lãi suất giảm đã hình thành khá rõ nét, sau các đợt giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước thì các ngân hàng thương mại cũng đã giảm lãi suất huy động xuống dưới 8%. Do đó, dòng tiền có xu hướng tìm kiếm cơ hội ở kênh đầu tư có hiệu suất tốt hơn như chứng khoán.
Bà Hiền lạc quan hơn về triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2023. Hàng loạt các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và các chính sách thúc đẩy tăng trưởng sẽ đồng thời thẩm thấu đến thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm 2023.
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, trong bối cảnh lãi suất giảm, dẫn đến dòng tiền dịch chuyển một phần qua kênh chứng khoán.
Thị trường chứng khoán vẫn phụ thuộc 90% vào dòng tiền cá nhân, do đó, nửa cuối năm 2023 sẽ có cơn sóng rõ ràng hơn, chứ không phân hóa như giai đoạn đầu năm. Tuy nhiên, sẽ rất khó để thị trường tăng mạnh.
Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) nhận định, lãi suất sẽ có xu hướng giảm nhẹ, song phụ thuộc nhiều vào khả năng phục hồi của nền kinh tế cũng như diễn biến của lạm phát.
Ngân hàng Nhà nước đã liên tục bốn lần giảm lãi suất điều hành, giảm trần lãi suất tiền gửi và trần lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. Dù vậy, tăng trưởng tín dụng đang chậm lại. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm mới đạt 3,58%, thấp hơn nhiều mức tăng của cùng kỳ năm trước (8,51%). Nếu so với kế hoạch tăng trưởng tín dụng đặt ra trong năm nay khoảng 14 - 15% thì mức tăng trưởng hiện tại đang thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra của Ngân hàng Nhà nước.
Định hướng của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới sẽ tiếp tục đưa ra nhiều giải pháp chính sách, hỗ trợ các ngân hàng giảm lãi suất. Cùng đó, điều hành để tạo thanh khoản ổn định, tạo niềm tin vững chắc cho thị trường trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế với lãi suất cho vay hợp lý để hỗ trợ cho quá trình phục hồi nền kinh tế trong thời gian tới.
Theo ông Khiếu Trọng Huy, chuyên gia phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Tổng cục Thống kê công bố tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam đạt 4,14% so với cùng kỳ năm trước, giúp GDP nửa đầu năm 2023 tăng 3,72% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù GDP trong quý II đã tăng cao hơn so với quý I (3,32%) nhưng vẫn đang rất thấp so với cùng kỳ các năm trước, GDP 2 quý đầu năm chỉ cao hơn năm 2020 (1,74%) trong khi thấp hơn nhiều so với mức trung bình trong giai đoạn 2013 - 2022 (trên 5,5%).
Do đó, BVSC cho rằng sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ trong các tháng tới đây, cả về tài khóa, tiền tệ để tiếp tục thúc đẩy cho tăng trưởng trong 2 quý còn lại của năm 2023, trong bối cảnh rủi ro lạm phát không còn (lạm phát 6 tháng đầu năm đạt 3,29%) và tỷ giá diễn biến ổn định.
“Với kỳ vọng mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm và chính sách hỗ trợ sẽ được đưa ra giúp các khu vực của nền kinh tế tăng trưởng tích cực hơn, chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 sẽ ở trong khoảng 5 - 5,5%”, ông Huy nhận định.
Theo giới phân tích, dù vẫn còn nhiều biến động, nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đang dần đi vào ổn định. Theo ông Vũ Đức Tiến, Tổng Giám đốc, Công ty cổ phần Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS), năm 2023, thị trường đang phát triển một cách bền vững. Điều này là do các nhà đầu tư tham gia thị trường tăng lên; trong đó, nhà đầu tư nhỏ lẻ là rất mạnh mẽ.
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư nhỏ lẻ rất quan trọng, trong khi tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong 3 năm trở lại đây cũng rất mạnh mẽ đã tạo ra nguồn lực trong dân, nguồn lực này nếu chuyển đến thị trường chứng khoán sẽ là động lực lớn.
Bên cạnh đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang thực hiện đề án tái cơ cấu thị trường theo 4 trụ cột và thị trường sẽ hưởng lợi từ điều này. Trong một thế giới đầy biến động thì Việt Nam đang được hưởng lợi nhờ môi trường đầu tư ổn định.
Cùng đó, Chính phủ đã nhận diện được những rủi ro của nền kinh tế Việt Nam và đang triển khai quyết liệt các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng GDP, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển.
Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, bà Tạ Thanh Bình cho biết, năm 2022 và đầu năm 2023 chứng kiến khó khăn của môi trường vĩ mô của thị trường quốc tế nói chung và thị trường tài chính, chứng khoán Việt nam nói riêng. Cùng đó, nhiều yếu tố khiến cho huy động vốn của doanh nghiệp khó khăn, ví dụ như mặt bằng lãi suất cao.
Bên cạnh đó, các kênh huy động như trái phiếu doanh nghiệp còn khó khăn, tâm lý của nhà đầu tư còn “dè dặt”, thể hiện ở việc thanh khoản thấp hơn rất nhiều so với thời gian bùng nổ của thị trường năm 2021. Mặc dù hiện tại thanh khoản có khởi sắc, nhưng vẫn ở mức thấp, chứng tỏ môi trường vĩ mô chưa hỗ trợ cho các đợt phát hành của doanh nghiệp. Về nội tại của doanh nghiệp cũng đang khó khăn, nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn chưa thực sự mạnh mẽ.
Tuy nhiên, bà Bình cho rằng, những biến động, biến số khó lường trên thị trường chứng khoán chính là kinh nghiệm lớn cho nhà đầu tư, nhưng cũng giúp cho cơ quản quản lý trong việc điều hành sao cho thị trường có thể chống chọi được sức ép từ yếu tố khách quan, đồng thời vẫn phải đảm bảo thị trường vẫn phát triển bền vững.
Đó là mục tiêu của cơ quan quản lý, theo đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang xây dựng chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến 2030, sau khi lấy ý kiến bộ ngành thì chiến lược này đã ở trên bàn Thủ tướng, bà Bình cho biết.
Một trong những ý tưởng quan trọng của chiến lược này là phát triển bền vững, tức là không quá chú trọng đi vào tăng trưởng về số lượng và quy mô, mà đi sâu các giải pháp để hỗ trợ thị trường phát triển bền vững, tăng khả năng chống chịu trước các biến động.