Vài năm gần đây, nhiều nông dân trong tỉnh Trà Vinh, chủ yếu ở huyện Cầu Kè đã chuyển đổi đất trồng lúa hoặc cho thuê để trồng cây cam sành với diện tích khá lớn. Bất chấp sự khuyến cáo của lãnh đạo địa phương, giá cả bấp bênh của cam sành trên thị trường, nông dân vẫn bỏ lúa trồng cam, làm ảnh hưởng đến việc qui hoạch, tái cơ cấu ngành nông nghiệp địa phương.
Theo khảo sát chưa đầy đủ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Kè, trong 4 năm gần đây, diện tích đất trồng lúa được nông dân cho thuê và chuyển đổi sang trồng cây cam sành có gần 300 ha nâng tổng diện tích cam sành của toàn huyện hiện có trên 1.700 ha.
Việc nông dân ồ ạt mở rộng diện tích trồng cam sành xuất phát từ nguồn lợi kinh tế trước mắt, không suy tính đến hệ lụy cung vượt cầu, phá vỡ qui hoạch phát triển vùng lúa chất lượng cao, cánh đồng lớn, dịch bệnh trên lúa, trên cam, do sản xuất lúa, trồng cam xen kẻ trên cùng cánh đồng.
Ông Mai Hoàng Sơn, hộ trồng cam sành ở xã Thông Hòa, huyện Cầu Kè cho biết, giá cam sành thời gian qua không ổn định. Đơn cử như trước tết Nguyên đán giá cam sành loại I từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, nay chỉ còn 16.000 - 17.000 đồng/kg. Với giá cam như hiện thời, nếu trừ đi các chi phí thì bình quân 1 kg cam loại I, nông dân còn lời khoảng 4.000 đồng. Tuy mức lợi nhuận này thấp, nhưng so với trồng lúa vẫn cao hơn gấp 3 - 4 lần.
Theo ông Mai Hoàng Sơn, để trồng 1ha cam sành trên đất lúa từ khi đặt cây giống đến khi có trái chín, vốn đầu tư khoảng 500 triệu đồng. Kể từ năm thứ 2, cam sẽ cho thu hoạch sản lượng thu nhập tăng dần đến khoảng năm thứ 5 là bắt đầu giảm. Bình quân 1ha cam sành cho trái vào năm thứ 3 - 4, nếu gặp giá cam từ 25.000 - 30.000 đồng/kg, nhà vườn thu mức lợi nhuận từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng.
Chính vì vậy, nhiều nhà vườn ở các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre về đây thuê đất lúa để trồng cam. Bình quân 1 ha đất lúa nhà vườn thuê từ 5 - 6 năm để trồng cam, với giá 40 triệu đồng/năm.
Với mức giá cho thuê đất này, tính ra vẫn có lợi hơn trồng lúa, không phải tốn công sản xuất, nên nhiều hộ không có vốn, không có kỹ thuật đã cho thuê các nhà vườn thuê để trồng cam.
Theo Bí thư xã Thông Hoà Nguyễn Hoàng Tranh, nhà vườn trồng cam hiện nay theo cách “công nghiệp”, trồng rất dày khoảng 5.000 cây/ha. Cam giống được trồng là cây ghép, sau 1 năm tuổi là bắt đầu xử lý cho trái, không như cách trồng truyền thống từ 4 năm trở lên cam mới cho trái.
Với phương thức trồng dầy, xử lý cho trái sớm nên vườn cam chỉ thu hoạch sau 5 năm là “kiệt sức” tàn lụi rồi chặt bỏ. Hệ lụy của cách trồng này là dễ bị dịch bệnh hoành hành, sử dụng nhiều thuốc hoá học gây tồn dư trong đất, ảnh hưởng đến môi trường.
Bí thư xã Thông Hòa Nguyễn Hoàng Tranh cho biết, ngành nông nghiệp huyện và địa phương vẫn liên tục tuyên truyền và khuyến cáo người dân không nên ồ ạt trồng cam sành bởi lợi nhuận có nhưng nguy cơ thua thiệt cũng nhiều. Do vậy, nông dân cần suy tính kỹ vì việc chuyển đổi cây trồng không chỉ có cây cam sành ế mà còn nhiều cây trồng khác cũng cho hiệu quả kinh tế cao.