Dự thảo có nhiều nội dung mới tạo thuận lợi cho doanh nghiệp làm ăn chân chính, góp phần tạo môi trường minh bạch, lành mạnh. Nội dung chủ yếu của Dự thảo là HĐĐT sẽ được áp dụng bắt buộc đối với doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan nhà nước, kể cả cơ quan có chức năng kiểm tra, quản lý thị trường; doanh nghiệp chỉ được sử dụng HĐĐT mà không được chọn sử dụng 2 loại hóa đơn giấy như trước đây.
Hóa đơn điện tử giúp giảm thiểu chi phí tối đa cho doanh nghiệp. Ảnh: CMC. |
Doanh nghiệp đã thực hiện HĐĐT theo Thông tư 32 thì chuyển sang áp dụng HĐĐT không có mã của cơ quan thuế; doanh nghiệp đủ điều kiện, nhưng lần đầu áp dụng thì sử dụng HĐĐT có mã số của cơ quan thuế. Một số trường hợp đặc thù không thể sử dụng HĐĐT thì cơ quan thuế đặt in hóa đơn để cấp hoặc bán cho doanh nghiệp sử dụng.
Theo Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế), hiện nay, Tổng cục Thuế đã hỗ trợ các doanh nghiệp lớn thuộc các lĩnh vực viễn thông, hàng không, điện lực, ngân hàng, cấp nước triển khai thành công HĐĐT và đã tạo sức lan tỏa cho các doanh nghiệp khác.
“Từ chỗ chỉ có hơn 300 doanh nghiệp sử dụng HĐĐT, đến nay đã có khoảng gần 3.000 doanh nghiệp sử dụng hình thức này. Việc sử dụng HĐĐT vừa góp phần giảm thời gian, chi phí về hóa đơn cho doanh nghiệp, vừa góp phần hạn chế các hành vi gian lận về hóa đơn, vừa giảm thời gian làm thủ tục hành chính về hóa đơn.
Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chia sẻ: Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động sản xuất kinh doanh nói chung và hoạt động hóa đơn chứng từ nói riêng là xu hướng chung của các nước tiên tiến trên thế giới. Xu hướng phát triển công nghệ thông tin và hệ thống hạ tầng thông tin ngày càng hoàn thiện, tạo thuận lợi cho phát triển hóa đơn điện tử. Đối với doanh nghiệp, việc sử dụng hóa đơn điện tử có nhiều lợi ích như giảm chi phí và thời gian trong việc in ấn, phát hành, gửi và lưu trữ hóa đơn giấy; hạn chế việc làm giả hóa đơn.
Trước đó, nhìn nhận về việc triển khai HĐĐT, ông Nguyễn Đăng Khương, Phó Giám đốc Phòng khách hàng tổ chức doanh nghiệp của VNPT Bắc Ninh nhận định: Việc sử dụng HĐĐT giúp doanh nghiệp giảm chi phí so với sử dụng hóa đơn giấy như: Chi phí giấy in, mực in; chi phí chuyển hóa đơn cho khách hàng; giảm thời gian tìm kiếm hóa đơn; tăng cường khả năng bảo mật hóa đơn; giúp việc lưu trữ, quản lý hóa đơn vĩnh viễn; nâng cao hiệu quả quản lý hóa đơn do việc tập hợp các thông tin qua phương tiện điện tử một cách nhanh chóng và kịp thời.
Theo đó, doanh nghiệp chỉ cần thông báo qua mạng gửi đến cơ quan thuế về việc sử dụng HĐĐT, sau khi thông báo được chấp nhận thì doanh nghiệp được sử dụng ngay HĐĐT. Doanh nghiệp không phải đăng ký mẫu HĐĐT, không phải gửi báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn đến cơ quan thuế vì phần mềm tạo hóa đơn điện tử cho phép tự xác định số lượng HĐĐT sử dụng. Đây là nội dung khác biệt so với việc sử dụng hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in vì muốn sử dụng hóa đơn, doanh nghiệp phải gửi mẫu hóa đơn đến cơ quan thuế và hàng quý phải lập báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn đến cơ quan thuế.
Theo ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, việc áp dụng HĐĐT có tác động tới sản xuất kinh doanh và nền kinh tế, nên cần thận trọng và thực tế. Tuy nhiên, việc triển khai HĐĐT sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng mua bán hóa đơn. Với hóa đơn giấy, các doanh nghiệp cuối tháng, cuối quý mới lập bảng kê, thì với điện tử, thông tin hiển thị ngay trên hệ thống.
“Doanh nghiệp quy mô nhỏ, nhưng chỉ trong một thời gian ngắn có lượng hóa đơn lớn, giá trị cao thì rõ ràng có thể đặt ra nghi ngờ. Việc cập nhật thông tin từ hóa đơn điện tử có thể giúp cơ quan chức năng phát hiện sớm và từ đó thanh kiểm tra”, ông Trí nói.