Chịu tác động sau Báo cáo Cung – cầu nông sản (WADSE) tháng 8, nhóm nông sản dẫn dắt xu hướng giảm trên thị trường. Trong đó, ngô và nhóm đậu tương là những nguyên liệu ghi nhận đà giảm mạnh nhất. Trong khi đó, sự lao dốc của giá xăng dầu và các mặt hàng kim loại bị chi phối bởi triển vọng kém khả quan trong hoạt động sản xuất. Tuy nhiên, trước hàng loạt thông tin đa dạng, thị trường hàng hóa vẫn giữ được sự sôi động khi giá trị giao dịch toàn Sở tăng 5,36%, đạt mức hơn 4.200 tỷ đồng.
Các mặt hàng nông sản đồng loạt quay đầu suy yếu
Đậu tương đã không thể duy trì đà tăng từ tuần trước đó. Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), thời tiết nhìn chung khá thuận lợi cho quá trình phát triển của đậu tương và điều này càng củng cố sự chính xác về dự báo tăng năng suất đậu tương của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) trong Báo cáo WASDE sản phát hành cuối tuần trước. Lo ngại về nguồn cung tại Mỹ được xoa dịu đã tạo sức ép lên giá ngay đầu phiên giao dịch.
Giá ngô cũng đã quay đầu suy yếu trở lại sau tuần tăng mạnh trước đó. Bên cạnh thời tiết cải thiện tại Mỹ, nhu cầu cũng là yếu tố đã tạo sức ép lên giá. Trung Quốc đang xúc tiến các hiệp định thúc đẩy thương mại để hoạt động xuất khẩu ngô từ Brazil có thể bắt đầu nhanh nhất có thể. Thỏa thuận được bắt đầu sớm hơn dự kiến, trong khi 70% lượng ngô từ Trung Quốc đến từ Mỹ nên việc nguồn cung từ Brazil đang được đẩy mạnh sẽ tạo sức ép cạnh tranh lên giá ngô trên Sở Chicago.
Lúa mì cũng đóng cửa trong sắc đỏ nhưng ghi nhận mức giảm nhẹ hơn trong nhóm nông sản. Sự suy yếu nhu cầu tiêu thụ toàn cầu và việc Ukraine duy trì hoạt động xuất khẩu từ các cảng biển Đen là nguyên nhân chính khiến giá giảm.
Giá dầu WTI đánh mất mốc 90 USD/thùng
Dầu thô giảm mạnh trong phiên giao dịch ngày hôm qua, trước các số liệu vĩ mô tiêu cực của Trung Quốc. Cụ thể, giá dầu WTI giảm 2,91% xuống 89,41 USD/thùng trong khi giá dầu Brent giảm 3,11% xuống 95,1 USD/thùng.
Tại Trung Quốc, đầu tư vào tài sản cố định trong tháng 7 đã giảm từ 6,1% trong tháng trước xuống còn 5,7%. Sản lượng công nghiệp cũng có dấu hiệu suy yếu từ 3,9% trong tháng 6 xuống còn 3,8% trong tháng này, chịu ảnh hưởng bởi yếu tố dịch bệnh vẫn gây ra những gián đoạn trong các hoạt động kinh tế. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) đã cắt giảm lãi suất 10 điểm phần trăm trong một nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng, tuy nhiên mức giảm không đáng kể khó có thể giúp cho lực mua gia tăng trở lại. Ngoài ra, sản lượng dầu trong tháng 7 của Trung Quốc cũng chỉ đạt 12,53 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất kể từ tháng 03/2020 đã làm gia tăng tâm lý lo ngại về tình hình kinh tế tại quốc gia này, gây sức ép mạnh tới giá dầu trong phiên ngày 15/08.
Giá dầu chỉ phục hồi phần nào trong cuối phiên khi Iran cho biết sẽ phản hồi về dự thảo về đàm phán hạt nhân mà EU đưa ra trong ngày hôm nay. Iran vẫn đang kêu gọi Mỹ phải tăng tính thỏa hiệp trong các vấn đề đàm phán.
Sắc đỏ phủ kín bảng giá kim loại sau loạt dữ liệu kinh tế tại Trung Quốc
Kết thúc phiên giao dịch đầu tuần, toàn bộ các mặt hàng trong nhóm kim loại đều đóng cửa trong sắc đỏ. Bạc suy yếu trở lại với mức giảm 2,06% xuống 20,27 USD/ounce. Bạch kim cắt đứt chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp, dẫn dắt đà giảm trên thị trường kim loại quý khi lao dốc 2,69% xuống 933,6 USD/ounce.
Dữ liệu tăng trưởng tiêu cực tại Trung Quốc trong tháng 7 nhấn mạnh về sự tổn thương đối với hoạt động sản xuất, do ảnh hưởng của dịch bệnh và cuộc khủng hoảng bất động sản dai dẳng. Bạc và bạch kim, vốn là 2 kim loại có tính công nghiệp đều chịu sức ép do lo ngại bức tranh tiêu thụ kém sắc tại quốc gia này. Trong bối cảnh đó, việc PBOC cắt giảm lãi suất cho vay trung hạn 1 năm đã làm tăng nguy cơ trượt giá của đồng nhân dân tệ và thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến đồng tiền trú ẩn Dollar Mỹ. Chỉ số Dollar Index tăng cũng là yếu tố gây áp lực tới các mặt hàng kim loại nói chung và kim loại quý nói riêng.
Trên thị trường kim loại cơ bản, giá đồng COMEX ngay lập tức chịu áp lực bán tháo mạnh sau loạt dữ liệu nêu trên. Quặng sắt cũng kết phiên với mức lao dốc gần 4% xuống 105,98 USD/tấn. Theo Cục Thống kê quốc gia, các khoản đầu tư bất động sản Trung Quốc đã suy yếu 12,3% trong tháng Bảy so với cùng kỳ năm ngoái. Đây cũng là mức giảm lớn nhất trong năm 2022. Giá đồng và sắt thép do đó phải chịu sức ép bán lớn do vai trò quan trọng trong lĩnh vực này. Ngoài ra, đối với quặng sắt, dữ liệu sản lượng thép trong tháng 7 của Trung Quốc giảm hơn 10% so với tháng trước đó đã kéo giá nguyên liệu này suy yếu trong phiên.
Giá thép liên tục giảm nhưng ngành xây dựng vẫn chịu nhiều áp lực
Trong 3 tháng trở lại đây, giá thép nội địa liên tục giảm trong bối cảnh thị trường sắt thép trên thế giới vẫn đang có những dấu hiệu dư cung. Cụ thể, giá thép nội địa tiếp tục được điều chỉnh giảm vào ngày 15/08. Trong đó, giá thép Hoà Phát đối với thép cuộn CB240 và thép cây D10 CB300 đều giảm 310.000 đồng/tấn, đang lần lượt giao dịch ở mức 14,57 triệu đồng/tấn và 15,43 triệu đồng/tấn.
Theo MXV, nguyên nhân là do giá sắt thép trên thế giới vẫn đang ở mức thấp. Trong khi đó, nhu cầu thép xây dựng trong nước giảm mạnh 30 – 40% so với hồi đầu năm nay. Tuy nhiên, mặc dù giá thép đã giảm mạnh nhưng nhiều vật liệu xây dựng khác như cát, đá xây dựng, xi măng, vẫn đang neo ở mức cao. Do đó, ngành xây dựng về tổng thể vẫn đang chịu nhiều áp lực.
Trong nửa cuối năm nay, tiến độ triển khai các dự án đầu tư công trong sẽ là yếu tố quan trọng tháo gỡ khó khăn cho ngành xây dựng. Kỳ vọng về nhu cầu tăng trở lại từ giờ đến hết năm sẽ giúp nhiều doanh nghiệp thép xử lý được hàng tồn kho và cân đối cung cầu.