Khép lại phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1% lên 33.601,15 điểm. Còn chỉ số tổng hợp S&P 500 tăng 0,4% lên 4.124,51 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq giảm 0,3% xuống 12.189,45 điểm.
Kết quả khảo sát các nhà chế tạo của Viện Quản lý nguồn cung cho thấy hoạt động chế tạo đã giảm mạnh hơn dự đoán trong tháng Ba, đánh dấu tháng thứ năm suy giảm liên tiếp do nhu cầu chậm lại.
Số liệu này được đưa ra sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, bất ngờ thông báo kế hoạch giảm sản lượng, một quyết định được cho là để ứng phó với điều kiện kinh tế vĩ mô ngày càng kém khả quan.
Tuy nhiên, chuyên gia Karl Haeling của ngân hàng LBBW cho rằng sản lượng sụt giảm của OPEC phần lớn sẽ bị lấn át bởi sự suy giảm trong nhu cầu và sự giảm tốc của kinh tế toàn cầu.
Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Mỹ đi xuống trong phiên này, cho thấy khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất đã giảm xuống.
Tại Việt Nam, chốt phiên giao dịch ngày 3/4, chỉ số VN-Index tăng 14,64 điểm lên 1.079,28 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 821,3 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 14.174 tỷ đồng. Toàn sàn có 325 mã tăng giá, 84 mã giảm giá và 35 mã đứng giá.
HNX-Index tăng 2,98 điểm lên 210,48 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 102,8 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 1.591,4 tỷ đồng. Toàn sàn có 121 mã tăng giá, 45 mã giảm giá và 58 mã đứng giá.