Thực tế là kinh tế thế giới vừa có dấu hiệu hồi phục nhưng các doanh nghiệp phải đối mặt với một thách thức mới, đó là giá các nguyên liệu đầu vào tăng chóng mặt; trong đó có giá dầu, than.
Xi măng là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp của việc tăng giá than, đang đứng trước những áp lực đầy thách thức. Đại diện một doanh nghiệp xi măng cho biết, giá than trong nước tăng bình quân từ 7% đến trên 10%, tình hình khó khăn, than 3c nhập càng khó, có công ty phải sử dụng than 4. Dầu DO dùng để đốt khi mới sấy lò tăng giá trên 10%. Hàng loạt phụ gia dùng trong sản xuất xi măng cũng tăng giá.
Giá than tăng tạo áp lực lớn cho các công ty sản xuất xi măng bởi xi măng là ngành tiêu thụ nhiều than. Giá than chiếm 40 - 45% giá thành sản xuất xi măng. Các doanh nghiệp đã sử dụng các biện pháp tiết giảm tối đa chi phí, tối ưu hoá sản xuất nhưng việc tăng giá nhiều nguyên liệu đầu vào, cộng việc giá than tăng, buộc nhiều doanh nghiệp xi măng điều chỉnh tăng giá bán.
Từ đầu tháng 10 đến nay, nhiều doanh nghiệp thép đã điều chỉnh mức tăng giá bán khoảng 17.000 -192.000 đồng/kg tùy từng thương hiệu… Cụ thể, giá thép cuộn CB240 của Tập đoàn Hòa Phát tại miền Bắc tăng 460 đồng/kg, hiện ở mức 16.770 đồng/kg. Thép cây D10 CB300 tăng 410 đồng/kg, lên mức 16.820 đồng/kg. Với thương hiệu thép Thái Nguyên tại miền Bắc, thép CB240 tăng 860 đồng/kg, lên mức 17.200 đồng/kg, thép D10CB300 tăng 260 đồng, lên mức 17.260 đồng/kg.
Thép cuộn CB240 thương hiệu Việt Đức tại miền Bắc cũng tăng thêm 250 đồng/kg, lên 16.950 đồng/kg; thép D10 CB300 tăng 200 đồng/kg, lên 17.200 đồng/kg.
Trước đó, vào đầu năm 2021, giá thép tăng giá chóng mặt so với năm 2020 khiến các bộ ngành vào cuộc kiểm tra. Sau đó, giá thép và các vật liệu khác có xu hướng giảm nhưng đến nay lại bước vào đợt tăng mới trong bối cảnh nhiều công trình xây dựng có nguy cơ trễ tiến độ vì việc tăng giá hàng loạt vật liệu xây dựng vào thời điểm này.
Ông Nguyễn Văn Nam, một nhà thầu xây dựng cho biết, với việc giá nhiều loại vật liệu xây dựng tăng cao như vậy, các công ty xây dựng đã gặp nhiều khó khăn trong thi công công trình. Việc nhận thầu các công trình phải chững lại, thậm chí không dám nhận thầu do nhiều yếu tố khác nhau. Vì vậy, khi giá vật liệu tăng cao, tiến độ của các dự án bất động sản chậm lại là dễ hiểu.
Đồng quan điểm này, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Công ty Phú Đông Group cho rằng, trong 5 loại chi phí tác động đến giá của một sản phẩm bất động sản thì chi phí sắt thép chiếm khoảng 15-20% (thuộc nhóm chi phí xây dựng). Giá sắt thép tăng lên 50% buộc chủ đầu tư phải điều chỉnh giá bán thêm 5-10%, thậm chí 15%. Trường hợp không điều chỉnh giá bán, chủ đầu tư phải chấp nhận giảm kỳ vọng lợi nhuận xuống.
Việc giá thép tăng trong thời gian qua đã tạo nên rất nhiều khó khăn cho chủ đầu tư và cả các đơn vị xây dựng. Đây là vấn đề cực kỳ lớn của doanh nghiệp, ông Phúc cho biết.
Còn theo chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang, chủ đầu tư không nhất thiết tăng giá đối với chung cư khi giá thép tăng. Theo đó, trong điều kiện bình thường, trước khi có dịch COVID-19, chủ đầu tư thường đặt mục tiêu tỷ suất lợi nhuận khoảng 15% so với doanh thu.
Với mức này, nếu giá thép tăng 50% thì chủ đầu tư điều chỉnh giá thêm 5-7% là hợp lý. Tuy nhiên hiện tại, nhiều chủ đầu tư đã đặt kỳ vọng về tỷ suất lợi nhuận lên gấp đôi, thậm chí gấp 3, có dự án lên đến 45% thì không nhất thiết phải tăng giá chung cư do tác động của giá thép. Ngược lại, người sở hữu nhà liền thổ hoàn toàn tính toán được các loại chi phí cấu thành nên có thể tăng giá bán do ảnh hưởng của giá thép.
Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp nhận định hiện nhà thầu xây dựng đều vấp phải khó khăn mà không có cách tháo gỡ do các chủ đầu tư không phải vốn nhà nước đa số đều sử dụng loại hợp đồng đơn giá cố định và không điều chỉnh ở thời điểm ký, trừ trường hợp bất khả kháng.
Thực tế là không chỉ các chủ đầu tư lớn mà ngay các nhà thầu xây dựng cũng đau đầu với bài toán vật liệu xây dựng tăng giá. Hiện đơn giá xây lắp đang bị đội cao hơn hẳn so với dự toán ban đầu, ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, với sản phẩm bất động sản, tất cả chi phí này sẽ được tính vào giá bán và khách mua nhà phải “gánh.”
Tuy nhiên các chuyên gia lo ngại việc tăng giá mạnh của vật liệu xây dựng sẽ ảnh hưởng đến đầu tư công. Trong khi đó, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã xác định một trong các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong những tháng cuối năm 2021 là chỉ đạo quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Tính đến hết tháng 10/2021, giải ngân vốn đầu tư công dự kiến chỉ đạt khoảng 55,8% kế hoạch năm 2021 được Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với mức 67,2% của cùng kỳ năm 2020.