Vàng thường được xem là một khoản đầu tư tốt hơn khi lãi suất thấp và khi các loại tài sản khác không tăng nhiều. Nếu đúng theo quy luật này, vàng lẽ ra đã có một khởi đầu mờ nhạt trong năm 2024, trước sự khởi sắc mạnh mẽ bất ngờ của chứng khoán Mỹ, sự kiên cường của nền kinh tế lớn nhất thế giới này và sự trì hoãn trong kế hoạch cắt giảm lãi suất dự kiến của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Tuy nhiên, giá vàng đã tăng 22% trong năm nay, vượt qua mức tăng của chỉ số S&P 500 và gần đây đã bứt phá khỏi mức 2.500 USD/ounce.
Rõ ràng, có những người mua vàng không quá quan tâm đến chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lãi này. Đó là các ngân hàng trung ương - đối tượng đã mua 483 tấn vàng trong nửa đầu năm nay, theo Hội đồng Vàng Thế giới. Đây là lượng vàng mua vào cao nhất của các ngân hàng trung ương kể từ khi WGC bắt đầu thu thập dữ liệu về việc này. Một trong những nguyên nhân của làn sóng mua vàng này là xung đột Nga - Ukraine và đặc biệt là việc đóng băng tài sản của Ngân hàng trung ương Nga vào năm 2022. Điều này đã thúc đẩy các nền kinh tế mới nổi lớn dịch chuyển khỏi đồng USD.
Bên cạnh đó, thúc đẩy xu hướng này còn có sự luân chuyển danh mục đầu tư sang vàng vẫn thường xảy ra khi lãi suất giảm. Những người giàu có và các nhà đầu tư tài chính đang tìm đến vàng. Dòng vốn chảy vào các quỹ giao dịch vàng đã được nối lại vào tháng Năm, và tháng Bảy là tháng thứ ba liên tiếp ghi nhận dòng vốn đổ vào các quỹ này, ở mức 3,7 tỷ USD. Mặc dù đây là diễn biến mang tính chu kỳ, nhưng xu hướng này sẽ không sớm đảo chiều.
Sự biến động của thị trường trong mùa Hè này cũng sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu với vàng, vì nó đánh thức những lo ngại về sự biến động của thị trường chứng khoán.
Tất nhiên, vẫn có những kịch bản mà trong đó vàng bớt lấp lánh hơn. Đà khởi sắc của thị trường chứng khoán tăng tốc, lãi suất được duy trì ở mức cao trong thời gian lâu hơn và rủi ro địa chính trị giảm xuống là những yếu tố có thể làm giảm nhu cầu đối với vàng. Tuy nhiên, hiện tại, khả năng xảy ra các kịch bản này là rất thấp.