Cụ thể, giá vàng giao ngay giảm 0,8% xuống 2.505,03 USD/ounce, sau khi có lúc giảm tới 1,1%. Giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ đóng cửa giảm 0,6% xuống 2.537,80 USD/ounce.
Phiên này, đồng USD tăng 0,6%, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Ông David Meger, Giám đốc giao dịch kim loại tại công ty môi giới High Ridge Futures, cho rằng thị trường đang chịu sức ép do đà tăng của đồng USD và chờ thêm thông tin về lạm phát để tìm hướng đi.
Các nhà đầu tư cũng đang chờ đợi số liệu về chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ dự kiến công bố ngày 30/8.
Nhà phân tích Ricardo Evangelista, tại công ty môi giới ActivTrades, nhận định PCE thấp hơn dự kiến có thể làm tăng dự đoán Fed nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn, tạo động lực tăng giá cho vàng.
Theo công cụ CME FedWatch, thị trường đang dự đoán có khoảng 63,5% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng Chín và 36,5% khả năng cắt giảm 50 điểm cơ bản.
Hội đồng Vàng Thế giới cho biết trong tuần trước, có 8 tấn vàng (trị giá 403 triệu USD) chảy vào các quỹ ETF về vàng và chủ yếu vào các quỹ Bắc Mỹ. Trong tháng Tám, các quỹ ETF vàng đang hướng đến tháng thứ tư liên tiếp ghi nhận dòng vốn ròng đổ vào các quỹ này.
Ngoài ra, nhập khẩu vàng của Trung Quốc đã tăng 17% trong tháng Bảy, đánh dấu mức tăng đầu tiên kể từ tháng Ba. Động thái này có thể hỗ trợ giá vàng toàn cầu, khi Trung Quốc là quốc gia tiêu thụ vàng lớn.
Tại thị trường Việt Nam, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) công bố giá bán vàng miếng SJC ở mức 79 - 81 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).