Lúc 9 giờ sáng, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 48,52 - 48,89 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), giảm 100.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với cuối ngày hôm qua.
Trong khi đó, tại Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý, giá vàng SJC cũng được điều chỉnh giảm 150.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên hôm qua, niêm yết ở mức 48,5 - 48,7 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại Công ty Vàng bạc Đá Quý Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 48,66 - 48,82 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), không đổi so với chốt phiên hôm qua.
Trước đó, giá vàng thế giới giảm gần 1% trong phiên giao dịch 2/6, trong bối cảnh các nhà đầu tư đẩy mạnh hoạt động chốt lời và chứng khoán Phố Wall tăng điểm nhờ tâm lý lạc quan về việc ngày càng có nhiều nước dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa để dần mở cửa trở lại nền kinh tế.
Khép phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,7% xuống 1.727,23 USD/ounce, xoá sạch mức tăng lúc đầu phiên. Còn giá vàng kỳ hạn của Mỹ hạ 0,9% xuống 1.734 USD/ounce.
Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong bối cảnh tâm lý lạc quan về việc các nền kinh tế mở cửa trở lại đã làm "lu mờ" những lo ngại về căng thẳng thương mại Mỹ-Trung và làn sóng biểu tình tại Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng quỹ đạo chung của giá vàng vẫn khá tích cực khi giá kim loại quý này đã tăng hơn 18%, sau khi chạm mức thấp của gần bốn tháng là 1.450,98 USD/ounce hồi tháng 3/2020, chủ yếu được hỗ trợ bởi những bất ổn kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra và một loạt biện pháp kích thích kinh tế từ các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.
Về vấn đề Mỹ-Trung, hãng tin Reuters dẫn hai nguồn tin cho biết Trung Quốc đã yêu cầu các công ty thuộc sở hữu nhà nước tạm ngừng mua lượng lớn thịt lợn và đậu tương Mỹ và một trong số các công ty đó cho hay, các thoả thuận mua ngô và bông Mỹ đã được hoãn lại.
Trong khi đó, quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust cho hay lượng vàng do quỹ này nắm giữ đã tăng lên 1.128,40 tấn hôm 1/6, mức cao nhất trong 7 năm.