Kết thúc phiên này, tại sàn giao dịch COMEX (Mỹ), giá vàng giao ngay tăng 0,1%, lên 1.976,56 USD/ounce, sau khi có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ ngày 11/3/2022 là 1.998,10 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn của Mỹ cũng tiến 0,6%, lên 1.986,4 USD/ounce.
Đà tăng giá của vàng đã bị hạn chế vào cuối phiên giao dịch do lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng vọt và đồng USD tiếp tục mạnh lên, qua đólàm giảm sức hấp dẫn của vàng đối với những người mua đang nắm giữ các đồng tiền khác.
David Meger, Giám đốc mảng giao dịch kim loại tại tổ chức tài chính High Ridge Futures (Mỹ), cho biết: “Sự gia tăng căng thẳng trong xung đột Nga-Ukraine với áp lực lạm phát trên diện rộng đã thúc đẩy nhu cầu trú ẩn an toàn đối với vàng”. Ông nói thêm, lo ngại về tác động kinh tế từ các hạn chế liên quan tới đại dịch COVID-19 ở Trung Quốc cũng hỗ trợ giá kim loại quý này.
Mặc dù lo ngại về lạm phát tăng cao thúc đẩy sức hút của vàng, vốn được coi như một “hàng rào” chống lạm phát, song việc tăng lãi suất để kiềm chế giá cao hơn có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đối với mặt hàng này vì nó khiến chi phí cơ hội cao hơn khi nắm giữ vàng vốn không sinh lời.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ đẩy nhanh tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ khi cuộc họp tiếp theo diễn ra, với mức tăng lãi suất 50 điểm cơ bản dự kiến trong các cuộc họp tháng Năm và tháng Sáu.
Cũng trong phiên này, giá bạc giao ngay tăng 0,5% lên 25,80 USD/ounce. Trước đó, giá bạc đạt mức cao nhất trong hơn một tháng là 26,21 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 2,2% lên 1.011,89 USD/ounce, cao nhất kể từ ngày 25/3, trong khi giá palladium tăng 2,2% lên 2.419,30 USD/ounce.
Tại Việt Nam, vào đầu giờ sáng 19/4, giá vàng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết tại thị trường Hà Nội ở mức 70,35 – 71,02 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).