Bên cạnh đó, những đồn đoán về khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng lãi suất đã củng cố đà tăng cho đồng USD và gây sức ép lên giá kim loại quý này.
Chiều ngày 31/5, vào lúc 13 giờ 58 phút giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á giữ ở mức 1.960,79 USD/ounce. Từ đầu tháng đến nay, giá kim loại quý này đã giảm 1,5%.
Ngày 30/5, dự luật về vấn đề nâng mức trần nợ công của Mỹ, do Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện McCarthy nỗ lực đạt được, đã vượt qua rào cản quan trọng tại Hạ viện. Dự kiến, Hạ viện sẽ tiến hành bỏ phiếu trong ngày 31/5 (theo giờ Mỹ).
Nếu được Hạ viện thông qua, dự luật sẽ được chuyển lên Thượng viện xem xét. Dự luật này cần được Quốc hội Mỹ thông qua trước ngày 5/6 - thời điểm Bộ Tài chính Mỹ có thể cạn kiệt ngân sách để thanh toán các nghĩa vụ tài chính.
Ông Yeap Jun Rong, nhà phân tích thị trường tại công ty dịch vụ tài chính IG nhận định đà giảm của lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ đã cho phép giá vàng bảo vệ được mức giá 1.940 USD/ounce vào thời điểm hiện nay.
Giá vàng đã rời khỏi các mức cao đạt được vào đầu tháng Năm, một phần do dự báo Fed nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất vào tháng tới hơn là giữ nguyên.
Hareesh V, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại công ty dịch vụ tài chính Geojit Financial Services, nhận định rằng các nhà đầu tư vẫn thận trọng và điều này đã gây ra sự thiếu chắc chắn đối với giá vàng. Theo chuyên gia Hareesh V, biến động của đồng USD và số liệu việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp sắp tới của Mỹ sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà giao dịch.
Tại châu Á, lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới, đã giảm tốc nhanh hơn dự kiến trong tháng Năm, qua đó, gây thêm sức ép lên các nhà hoạch định chính sách trong việc thúc đẩy đà phục hồi kinh tế.
Tại Việt Nam, chiều 31/5, công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại Hà Nội ở mức 66,45 – 67,07 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).