Giá vàng giảm 0,2% trong tuần qua và ghi nhận phiên giảm mạnh nhất trong tuần vào ngày 27/7, sau khi dữ liệu cho thấy tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ nhanh hơn dự báo trong quý II/2023.
Giá vàng đi ngang trong phiên giao dịch đầu tuần (ngày 24/7) và chỉ “nhích” nhẹ trong phiên giao dịch liền sau đó, khi sự chú ý của các nhà giao dịch đang được hướng đến các cuộc họp của các ngân hàng trung ương trong tuần này, bắt đầu với quyết định chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 26/7, tiếp đến là Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày 27/7 và Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) một ngày sau đó.
Sau khi Fed tăng lãi suất như kỳ vọng, thị trường vàng đã phản ứng tích cực. Fed đã tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm vào ngày 26/7, đánh dấu lần tăng lãi suất thứ 11 trong 12 cuộc họp chính sách gần đây nhất của ngân hàng trung ương Mỹ. Thông báo chính sách kèm theo quyết định này cũng mở ra cơ hội cho một đợt tăng lãi suất khác.
Phát biểu trong cuộc họp báo, Chủ tịch Powell cho biết hiện không phù hợp để Fed đưa ra chỉ dẫn về các hành động lãi suất trong tương lai. Việc ngân hàng trung ương này có tăng lãi suất lần nữa hay không sẽ được xác định bởi các số liệu tại thời điểm tổ chức các cuộc họp sau này.
Giá vàng luôn nhạy cảm với các động thái điều chỉnh lãi suất của Mỹ. Bởi lãi suất tăng sẽ giúp đồng USD mạnh lên, song lại khiến sức hấp dẫn của các tài sản không sinh lời như vàng giảm đáng kể.
Ông David Meger, phụ trách bộ phận giao dịch kim loại quý tại công ty dịch vụ tài chính High Ridge Futures, cho biết thị trường nhìn chung kỳ vọng Fed đang tiến gần hơn đến cuối chu kỳ tăng lãi suất. Do đó, có khả năng lợi suất trái phiếu chính phủ sẽ giảm dần và hỗ trợ cho vàng.
Đáng chú ý, giá vàng giảm hơn 1% xuống mức thấp nhất trong 2 tuần vào ngày 27/7, trước khi phục hồi nhẹ vào phiên cuối tuần, chịu áp lực bởi đồng USD mạnh hơn và lợi suất trái phiếu tăng sau dữ liệu kinh tế Mỹ tốt hơn dự báo.
Phillip Streible, Giám đốc chiến lược thị trường tại công ty tài chính Blue Line Futures, nhận định: “Giá vàng bị tác động khi số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tại Mỹ tốt hơn dự báo cho thấy sức mạnh của thị trường lao động Mỹ đang phục hồi”.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần ngày 28/7, giá vàng giao ngay tăng 0,75% lên 1.959,53 USD/ounce. Giá vàng giao kỳ hạn tăng 0,8% lên 1.960,40 USD/ounce.
Dữ liệu công bố cùng ngày cho thấy lạm phát hàng năm của Mỹ đã chậm lại đáng kể trong tháng 6/2023. Theo Bộ Thương mại Mỹ, lạm phát được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) đã tăng 0,2% trong tháng trước.
Edward Gardner, chuyên gia kinh tế hàng hoá tại công ty nghiên cứu thị trường Capital Economics, cho biết dữ liệu trên góp phần làm tăng kỳ vọng lãi suất của Mỹ sẽ duy trì ở mức cao trong một thời gian, thúc đẩy đồng USD tăng, và khiến giá vàng giảm mạnh.
Lãi suất và lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cao hơn làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ kim loại quý không sinh lời này. Đồng USD mất đà tăng vào ngày 28/7, giảm 0,16% so với giỏ tiền tệ chủ chốt, nhưng vẫn ghi nhận tuần tăng thứ hai liên tiếp.
Cùng trong phiên này, giá bạc giao ngay cũng tăng 0,83% lên 24,33 USD/ounce, trong khi giá bạch kim giảm 0,23% xuống 933,81 USD/ounce và palladium gần như không đổi ở mức 1.241,41 USD/ounce.