Cụ thể, thời điểm 9 giờ 50 phút, tại thị trường Hà Nội, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức 73 - 74,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 700.000 đồng/lượng chiều mua vào và tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.
Tập đoàn Vàng Bạc đá quý Phú Quý niêm yết giá vàng SJC ở mức 72,9 - 74,3 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 500.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên cuối tuần qua.
Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 73 - 74,2 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 400.000 đồng/lượng ở bán ra so với chốt phiên cuối qua.
Ông Shaokai Fan - Giám đốc điều hành khu vực châu Á - Thái Bình Dương (không bao gồm Trung Quốc) và Giám đốc Ngân hàng Trung ương Toàn cầu tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho hay, biến động giá vàng gần đây trên thị trường Việt Nam có thể phản ánh mối quan hệ phức tạp giữa các yếu tố địa chính trị toàn cầu, một số điều kiện đặc thù của thị trường trong nước, và sự nhạy cảm của nhà đầu tư với sự không ổn định của nền kinh tế.
Trước đó, trên thị trường thế giới, phiên 1/12, giá vàng thế giới giao ngay tăng 1,6% lên 2.069,10 USD/ounce. Đầu phiên này, có thời điểm giá vàng chạm mức 2.075,09 USD/ounce và vượt mức cao mọi thời đại 2.072,49 xác lập năm 2020. Giá vàng giao kỳ hạn tại Mỹ cũng tăng lên mức cao kỷ lục 2.089,7 USD/ounce trong phiên này.
Diễn biến giá vàng thế giới đẩy lên mức cao nhất từ trước tới nay trong phiến này được cho rằng do phát biểu mới nhất của Chủ tịch Fed Jerome Powell thừa nhận Fed cần hành động thận trọng khi có những dấu hiệu yếu đi của nền kinh tế.
Chuyên gia phân tích cấp cao Jim Wyckoff của Công ty Kitco Metals nhận định, triển vọng trong ngắn hạn của vàng vẫn thuận lợi, khi đồng USD đang có xu hướng đi xuống trước những dự báo Fed sẽ không nâng lãi suất nữa và thậm chí có thể sẽ hạ lãi suất vào mùa xuân.