Tại thị trường trong nước, tuần qua. giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn chỉ ghi nhận một vài nhịp điều chỉnh giảm trên đường tăng “miệt mài” từ đầu tuần 8/4.
Đóng cửa phiên cuối tuần 13/4, giá vàng miếng SJC giao tịch tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn ở mức 81,8 – 83,8 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tương đương mức tăng 1,88 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước. Trong khi giá vàng nhẫn niêm yết tại Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu ở mức 74,18 – 76,08 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tương đương mức tăng 1,56 triệu đồng/lượng.
Trước đó, có thời điểm trong tuần, giá vàng SJC đã chạm ngưỡng 85 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn chinh phục mốc 75 triệu đồng/lượng.
Động thái này diễn ra ngay sau khi có kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thông tin đã sẵn sàng các phương án can thiệp để ổn định thị trường vàng.
Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Thanh Hà, đối với thị trường vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá vàng trong nước so với giá vàng thế giới. Đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu.
Song song đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp; yêu cầu các doanh nghiệp triển khai sử dụng hoá đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả. Đồng thời, xứ lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túc giá vàng.
Đối với riêng hoạt động thanh tra, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành đã thành lập xong đoàn thanh tra và triển khai ngay trong tháng 4 này.
Hiện thị trường đang trông đợi vào việc sửa Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Theo Chuyên gia Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục kiên định với chính sách chống vàng hóa, giảm vàng hóa trong việc sửa đổi cơ chế, chính sách quản lý vàng, hoạt động kinh doanh vàng, qua đó cũng giảm bớt vấn đề đô la hóa nền kinh tế.
Về tổng thể, quá trình chống vàng hóa theo mục tiêu của Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã thành công nhưng nghị định này ra đời cách đây 11 năm và đã đến thời điểm cần thay đổi.
Theo đó, Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cần sửa đổi theo hướng về sát với bối cảnh thị trường. Từ đó, thiết lập cân bằng quan hệ cung cầu trên thị trường hiện nay.
Cũng tại kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp về các giải pháp quản lý thị trường vàng, Thủ tướng Chính giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, rà soát, đánh giá kỹ tác động, tổng kết đầy đủ việc thực hiện Nghị định 24/2012/NĐ-CP để đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp, bảo đảm bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng, phù hợp với tình hình thực tiễn, diễn biến kinh tế trong nước, khu vực, quốc tế, ngăn chặn tình trạng vàng hóa nền kinh tế, không để ảnh hưởng của biến động giá vàng đến tỷ giá, lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định, bảo đảm an ninh kinh tế, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Tới đây, Ngân hàng HSBC dự đoán giá vàng sẽ biến động trong khoảng 1.975-2.500 USD/ounce. Ngân hàng này lưu ý rằng rủi ro địa chính trị gia tăng cùng với các cuộc bầu cử ở nhiều nước diễn ra trong năm nay đã hỗ trợ đáng kể cho giá vàng.
Về phía Ngân hàng Goldman Sachs cũng đã nâng dự báo giá vàng vào cuối năm nay từ mức 2.300 USD/ounce lên 2.700 USD/ounce.
Giám đốc điều hành Will Rhind của Công ty Kinh doanh kim loại quý GraniteShares cho rằng, nhu cầu vàng sẽ rất mạnh trong năm nay, do hoạt động mua vàng của các ngân hàng trung ương để đa dạng hóa dự trữ ngoại tệ, đề phòng rủi ro đồng USD không ổn định.
Tuy nhiên, nhà phân tích Giovanni Staunovo của Ngân hàng UBS cho rằng, để có được đợt tăng mạnh tiếp theo của giá vàng, vẫn cần nhu cầu từ các quỹ giao dịch trao đổi vàng hồi phục và điều đó đòi hỏi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải hạ lãi suất.
Tuần qua, những kỷ lục liên tiếp được thiết lập trên thị trường vàng thế giới. Theo đó, giá vàng thế giới tăng vượt 2.400 USD/ounce, lên mức cao kỷ lục trong phiên 12/4, khi căng thẳng leo thang tại Trung Đông khiến các nhà đầu tư tìm đến "nơi trú ẩn" là các tài sản an toàn.