Giá tràm tăng cao, dẫn đến diện tích cây tràm ngày càng tăng nhanh. Bình quân, mỗi năm, diện tích rừng tăng từ 300 - 500 ha.
Anh Ngô Văn Hải, nông dân trồng tràm tại xã Thạnh Phú, huyện Thạnh Hóa cho biết, trước năm 2014, giá tràm rất thấp, người dân đốn tràm để trồng lúa. Tuy nhiên, gần 2 năm trở lại đây, giá tràm mỗi ngày tăng cao, đã thu hút nông dân phá lúa trồng tràm.
Hiện tại, đa phần diện tích tràm sau khai thác đều được người dân trồng lại. Ngay cả những diện tích trước đây sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, được chuyển sang trồng tràm.
Người dân trồng tràm rất phấn khởi với giá hiện nay. Sau khi trừ chi phí, người dân có lợi nhuận từ 80 - 120 triệu đồng/ha.
Theo đánh giá của người dân, nguyên nhân giá tràm tăng vọt là do cung không đủ cầu. Ngoài giúp người trồng có thu nhập ổn định, cây tràm còn góp phần giải quyết việc làm cho một lượng lớn lao động nhàn rỗi ở nông thôn như chặt tràm, nhổ tràm, trồng tràm....
Theo ông Đỗ Văn La, Chi Cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm Long An, toàn tỉnh Long An có hơn 23.000 ha rừng, trong đó diện tích rừng tràm do người dân trồng hơn 12.000 ha. Sau nhiều năm tràm liên tục rớt giá, người dân phải phá tràm chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Hiện thị trường tràm ổn định, giá cao người dân tiếp tục bám rừng, giữ tràm, hạn chế được tình trạng phá tràm chuyển đổi sang cây trồng khác.