Ông Huỳnh Văn Thuyết, Giám đốc Hợp tác xã Chợ Bến, xã An Ngãi, huyện Long Điền đang có 3 ha ao nuôi tôm công nghệ cao cho biết, giá tôm nguyên liệu hiện nay giảm mạnh nhất từ trước đến nay, so với thời điểm trước đây hơn một tháng giá tôm giảm từ 30% thậm chí có loại giảm đến gần 50%. Trong khi đó, sức tiêu thụ rất chậm. Nếu như thời điểm chưa giảm giá, tôm đến kỳ thu hoạch người nuôi chỉ cần bán khoảng 3 - 5 ngày đã hết cả mấy chục tấn tôm thì nay người nuôi phải bán cả tháng trời chưa hết tôm nguyên liệu.
.
Còn ông Lê Trọng Nghĩa, hộ nuôi tôm tại xã Lộc An, huyện Đất Đỏ có 2.000 m2 nuôi tôm công nghệ cao. Gia đình ông vừa xuất bán lứa tôm hơn 7 tấn với giá 110.000 đồng/kg (loại tôm 40 con/kg) thay vì 140.000 đồng/kg trước đó hơn một tháng. Giá bán tôm nguyên liệu giảm mạnh, khiến gia đình ông Nghĩa giảm lợi nhuận khoảng hơn 200 triệu đồng/vụ.
“Giá tôm đã liên tục sụt giảm khiến người nuôi giảm mạnh về lợi nhuận, sức tiêu thụ lại rất chậm, hầu như người nuôi chúng tôi phải bán lẻ từng kilogam, chứ không thể bán hàng tấn cùng một lúc như những tháng trước đây”, ông Nghĩa lo lắng chia sẻ.
Theo khảo sát của phóng viên, giá tôm bán tại các chợ đang giảm mạnh, giá giảm khoảng 10.000 - 60.000 đồng/kg (tùy kích cỡ) so tháng giữa tháng 5/2023.
Giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi chi phí thức ăn, con giống, thuốc đều tăng, chi phí một vụ nuôi tôm hiện rất cao, giá bán giảm mạnh như hiện nay người nuôi sẽ không có lãi.
Ông Nguyễn Kim Chuyên, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quyết Thắng, phường Long Hương, thành phố Bà Rịa cho hay, năm nay, người nuôi tôm gặp nhiều khó khăn. Theo đó, ngoài giá tôm giảm, thời tiết nắng nóng còn làm tỷ lệ sống của tôm giảm sút nghiêm trọng, chỉ được 50 - 60%, trong khi mọi năm từ 80 - 90%. Điều này khiến sản lượng tôm thu hoạch sụt giảm theo từ 30 - 40%. Cụ thể, nếu năm 2022, mỗi vụ nuôi tôm siêu thâm canh bằng hệ thống lọc nước tuần hoàn khép kín trong nhà màng, hợp tác xã thu được 40 tấn/2.000 m2 ao nuôi thì năm nay sản lượng chỉ còn 25 tấn.
“Để phòng ngừa dịch bệnh trong thời điểm nắng nóng phải tăng cường vitamin, oxy nhằm tăng sức đề kháng cho tôm khiến chi phí, giá thành đội lên. Nếu trước đây giá thành khoảng 100.000 đồng/kg thì năm nay tăng lên 110.000 - 120.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá tôm khi xuất bán lại giảm mạnh, còn từ 100.000 - 110.000 đồng/kg khiến hợp tác xã giảm mạnh lợi nhuận”, ông Chuyên nói.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, giá tôm nguyên liệu giảm mạnh là do lượng hàng tồn kho của doanh nghiệp cao, nguồn cung tôm nguyên liệu tăng, nhu cầu thị trường xuất khẩu thu hẹp do lạm phát, căng thẳng chính trị trên thế giới. Thêm vào đó, doanh nghiệp chế biến khó tiếp cận nguồn vốn để quay vòng sản xuất, mua tôm nguyên liệu dự trữ.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood) cho biết, tình hình xuất khẩu quá khó khăn, yêu cầu kỹ thuật, phẩm chất sản phẩm từ phía đối tác cao hơn làm tăng chi phí giá thành khiến công ty phải tạm dừng việc chế biến xuất khẩu tôm vì không hiệu quả.
“Từ khi Việt Nam bị “thẻ vàng” của EC khiến cho việc làm thủ tục hồ sơ xuất khẩu thủy sản qua các nước này rất phức tạp, khiến giá thành đội lên hơn 20%. Hy vọng rằng, với sự nỗ lực của doanh nghiệp và địa phương đang hoàn thiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu, cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” để việc xuất khẩu thủy sản dễ dàng hơn, tình hình xuất khẩu thủy sản khả quan hơn. Từ đó, công ty mới tính lại chuyện phục hồi xuất khẩu tôm”, ông Dũng thông tin thêm.
Hiện nay Bà Rịa - Vũng Tàu có 412 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, toàn tỉnh có hơn 50 doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản đạt chứng nhận an toàn thực phẩm, tham gia xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng như: EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Brazil, Nga và các nước Đông Nam Á... với kim ngạch xuất khẩu trung bình đạt khoảng 342 triệu USD/năm.