Giá kim loại giảm sâu, giá cà phê lập đỉnh mới

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc đỏ bao trùm thị trường kim loại trong ngày giao dịch hôm qua (14/11). Nhóm kim loại quý đang đánh mất tính hấp dẫn khi đồng USD vẫn trên đà tăng mạnh khi neo đỉnh trong một năm.

Ở chiều ngược lại, nhóm nguyên liệu công nghiệp tiếp tục thu hút dòng tiền đầu tư, với giá cà phê Arabica tăng mạnh lên mức cao nhất trong 13 năm rưỡi và Robusta tăng phiên thứ 4 liên tiếp. Đóng cửa, chỉ số MXV-Index giảm nhẹ 0,17% xuống 2.146 điểm.

Chú thích ảnh

Giá kim loại quý giảm về mức thấp nhất hai tuần

Kết thúc ngày giao dịch hôm qua, lực bán tiếp tục diễn ra đối với phần lớn các mặt hàng trong nhóm kim loại. Đối với kim loại quý, giá bạc giảm 0,31% xuống 30,57 USD/ounce. Giá bạch kim nhích nhẹ 0,05% lên 944 USD/ounce, chủ yếu nhờ lực mua "bắt đáy" của giới đầu cơ sau khi giá liên tục giảm mạnh trong những phiên gần đây.

Chú thích ảnh

Giá kim loại quý tiếp tục gặp áp lực khi đồng bạc xanh tiếp tục tăng vọt trong phiên. Chỉ số Dollar Index, thước đo sức mạnh của đồng USD với 6 đồng tiền chủ chốt khác, vững vàng neo ở đỉnh một năm. Đóng cửa, chỉ số này tăng 0,18% lên 106,67 điểm.

Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX phục hồi 0,11% lên 9.011 USD/tấn, chấm dứt chuỗi giảm 4 phiên liên tiếp. Nguyên nhân chính hỗ trợ cho giá đồng trong phiên hôm qua chủ yếu xuất phát từ lo ngại thiếu hụt nguồn cung đồng tinh chế.

Cụ thể, theo các nguồn tin, sang năm tới, các nhà máy luyện đồng của Trung Quốc, quốc gia sản xuất đồng tinh chế lớn nhất thế giới, có khả năng sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng, đóng cửa hoặc kéo dài thời gian bảo trì để ứng phó với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguyên liệu thô. Trước đó, các nhà phân tích của Công ty kim loại màu Minmetals đã dự báo rằng thâm hụt tinh quặng đồng dự kiến sẽ lên tới hơn một triệu tấn vào năm tới.

Trong một diễn biến khác, giá quặng sắt để mất mốc 100 USD sau khi giảm hơn 2%, đóng cửa tại mức 98,27 USD/tấn. Trong khi triển vọng nhu cầu vẫn chìm trong gam màu xám, nguồn cung quặng sắt lại có nhiều tín hiệu tăng trưởng tích cực, điều này đã làm gia tăng lực bán mặt hàng trong phiên hôm qua.

Các nhà phân tích của ANZ cho biết các lô hàng từ nhà cảng Port Hedland của Australia, cảng xuất khẩu quặng sắt lớn nhất thế giới, đạt tổng cộng 45,6 triệu tấn vào tháng 10, đưa tổng sản lượng xuất khẩu của năm nay lên mức cao nhất trong cùng kỳ trong bốn năm qua. ANZ cũng cho biết Chính phủ Australia dự kiến sẽ tăng ​​xuất khẩu thêm 1,9% lên 908 triệu tấn vào năm 2024.

Giá cà phê tăng mạnh phiên thứ 4 liên tiếp, Arabica lập đỉnh 13 năm rưỡi

Theo MXV, sắc xanh phủ kín bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Thị trường này được hưởng lợi từ việc dòng tiền dịch chuyển từ các thị trường mang tính trú ẩn cao, sang thị trường có tính sinh lời cao hơn. Nổi bật, giá ca cao tăng mạnh 6,71% lên 8.500 USD/tấn, dẫn dắt đà tăng của cả nhóm. Đây là phiên tăng thứ 4 liên tiếp và lên mức cao nhất gần 5 tháng của mặt hàng này.

Chú thích ảnh

Tương tự, giá hai mặt hàng cà phê cũng tăng phiên thứ 4 liên tiếp. Trong đó, giá cà phê Arabica tăng hơn 3% lên 6.159 USD/tấn, thiết lập mức mới trong 13 năm rưỡi và giá cà phê Robusta tăng 3,13% lên 4.777 USD/tấn so với tham chiếu, chạm mức cao nhất gần 1 tháng. Bên cạnh hỗ trợ từ sự dịch chuyển dòng tiền liên thị trường, lo ngại về sản lượng cà phê tại Brazil và Việt Nam là một trong những nguyên nhân quan trọng thúc đẩy giá phiên hôm qua.

Hãng tư vấn StoneX, dự đoán sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2025-2026 sẽ đạt 65,5 triệu bao, giảm 0,4% so với vụ trước. Trong đó, sản lượng Arabica giảm mạnh 10,5% xuống còn 40 triệu bao, trong khi sản lượng cà phê Robusta đạt 25,6 triệu bao, tăng 20,9% so với vụ trước.

Bên cạnh đó, các thương nhân tại Brazil cũng bày tỏ lo ngại về mùa vụ cà phê 2025-2026 khi mưa đã đến nhưng độ ẩm của đất vẫn thấp. Mưa không đủ khiến quá trình phục hồi của cây cà phê không tích cực như kỳ vọng của thị trường, có thể dẫn đến sản lượng và xuất khẩu tiếp tục giảm trong vụ tới.

Tại Việt Nam, các thương nhân ở vành đai cà phê cho biết những cơn bão gần đây đã làm chậm vụ thu hoạch và mưa vẫn là thách thức hàng đầu đối với mùa vụ hiện tại. Theo Reuters, thị trường dự kiến vụ thu hoạch năm nay có thể giảm tới 10% xuống mức thấp nhất trong một thập kỷ. Sản lượng thu hoạch thấp khả năng cao sẽ khiến lượng xuất khẩu đi xuống, gây khó khăn cho việc cải thiện nguồn cung trên thị trường.

Trong bối cảnh lo ngại về nguồn cung, nhà phân tích BMI dự đoán thị trường cà phê sẽ vẫn thắt chặt vào năm 2025 và giá cà phê Arabica trung bình năm 2025 sẽ tăng.

Diễn biến đáng chú ý, kết thúc cuộc họp ngày 13-14/11, Nghị viện châu Âu (EP) chấp thuận đề xuất của Ủy ban châu Âu về việc hoãn thời gian thi hành Quy định chống phá rừng EUDR thêm 12 tháng. Đồng thời, EP đã tìm cách giảm bớt lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng như thịt bò và đậu nành liên quan đến nạn phá rừng. Với lộ trình mới, hoạt động đẩy mạnh nhập khẩu tạm lắng, cung - cầu cà phê thế giới có xu hướng cân bằng hơn, đặc biệt khi Việt Nam chuẩn bị cung ứng nguồn cung mới ra thị trường.

Tại thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay (15/11), giá cà phê tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ dao động trong khoảng 111.800 - 112.200 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá cà phê hiện cao gần gấp đôi từ mức 60.200 - 61.000 đồng/kg. Đặc biệt, tính từ đầu năm đến nay, giá cà phê đã tăng mạnh hơn 43.000 đồng/kg so với mức 67.500 - 68.400 đồng/kg.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
10 tháng, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5%
10 tháng, bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,5%

Tổng cục Thống kê vừa cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2024 tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 12,5% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 14,2%...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN