Cụ thể, giá dầu Brent giảm 3 xu xuống 74,22 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 19 xu xuống 70,39 USD/thùng. Cả hai loại dầu này đều có mức giá chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 2/10.
Trong ba phiên trước, giá dầu giảm mạnh khoảng 7% do triển vọng nhu cầu yếu hơn và mối lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung dịu bớt. Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), Iran sản xuất khoảng 4 triệu thùng/ngày và dự kiến sẽ xuất khẩu khoảng 1,5 triệu thùng/ngày trong năm 2024. Iran là thành viên của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC).
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự đoán nhu cầu dầu toàn cầu sẽ đạt mức đỉnh (gần 102 triệu thùng/ngày) trước năm 2030 và giảm xuống 99 triệu thùng/ngày vào năm 2035.
Trong khi đó, các biện pháp kích thích kinh tế của Trung Quốc chưa mang lại nhiều hỗ trợ cho giá dầu. Quốc gia này có kế hoạch huy động vốn từ việc phát hành trái phiếu để thúc đẩy nền kinh tế đang chững lại.
Dù vậy, những thông tin kinh tế tích cực từ Mỹ và châu Âu đã giúp hạn chế bớt đà giảm của giá dầu. Nền kinh tế khu vực đồng euro (Eurozone) cho thấy một số dấu hiệu phục hồi. Trong tháng Chín, giá nhập khẩu của Mỹ đã giảm mạnh nhất trong chín tháng, chủ yếu do chi phí sản xuất năng lượng giảm mạnh. Đây là dấu hiệu cho thấy triển vọng lạm phát yếu đi sẽ củng cố kịch bản Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục hạ lãi suất.