"Tiếp bước" thị trường chứng khoán và các hàng hóa khác, giá dầu thô cũng chịu ảnh hưởng bởi tâm lý sợ rủi ro của giới đầu tư trong phiên này, khi số ca mắc COVID-19 mới ở châu Âu và một số nước khác tăng, thúc đẩy các biện pháp phong tỏa mới, dẫn tới sự hoài nghi về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu.
Kết thúc phiên này, tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn giảm 1,8 USD (4,38%) xuống 39,31 USD/thùng. Tại thị trường London (Vương quốc Anh), giá dầu Brent Biển Bắc cũng hạ 1,7 USD (3,96%) xuống 41,44 USD/thùng. Cả hai loại dầu này đều chứng kiến phiên giảm giá mạnh nhất trong hai tuần qua.
Gary Cunningham, Giám đốc nghiên cứu thị trường tại Tradition Energy, có trụ sở tại Stamford, Connecticut, cho biết hiện các thông tin đều có vẻ bất lợi về triển vọng tiêu thụ nhiên liệu máy bay, bức tranh kinh tế toàn cầu có vẻ không còn “sáng sủa” như những nhận định trước đó.
Giá dầu đi xuống trong bối cảnh lo ngại gia tăng trước xu hướng gia tăng số ca mắc COVID-19, yếu tố có thể làm suy giảm nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu.
Số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới hơn 30,78 triệu. Ngày 21/9, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã xem xét về khả năng phong tỏa xã hội lần thứ hai trong khi số ca mắc COVID-19 ở Tây Ban Nha và Pháp cũng đã tăng.
Goldman Sachs vẫn giữ nguyên dự báo giá dầu Brent đạt 49 USD/thùng vào cuối năm 2020 và 65 USD/thùng vào quý III/2021, bất chấp những diễn biến bất ổn tại Libya. Trong khi đó, Barclays nâng triển vọng giá dầu Brent năm 2020 lên 43 USD/thùng và 53 USD/thùng vào năm sau.
Tâm lý lạc quan được củng cố bởi hy vọng cải thiện việc tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa các thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+.
Trong khi đó, bão Beta - cơn bão thứ 23 được đặt tên trong mùa bão ở Đại Tây Dương năm nay - được dự đoán sẽ di chuyển vào Texas vào cuối ngày 21/9, đe dọa làm gián đoạn hoạt động sản xuất tại khu vực này.