Giá cá tra nguyên liệu ở Đồng Tháp tăng trở lại

Các doanh nghiệp trong tỉnh Đồng Tháp đang đẩy mạnh thu mua cá tra nguyên liệu để chế biến xuất khẩu, đã góp phần giúp giá cá tra nguyên liệu tăng trở lại.

Chú thích ảnh
Thu hoạch, vận chuyển cá tra nguyên liệu từ vùng nuôi về nhà máy để chế biến xuất khẩu. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN

Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh Đồng Tháp nuôi hơn 1.034 ha cá tra, diện tích thu hoạch hơn 90 ha, sản lượng được 38.424 tấn. Giá cá tra nguyên liệu bán được hơn 24.000 đồng/kg, chi phí trung bình để sản xuất 1kg cá nguyên liệu khoảng 22.000 đồng/kg, với mức giá này người nuôi có lãi hơn 2.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất và Dịch vụ thủy sản Châu Thành (huyện Châu Thành) cho biết, Hiện tại, giá cá tra nguyên liệu tăng là do doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua để sản xuất phục vụ thị trường xuất khẩu cuối năm. Bên cạnh đó, hiện tại dịch COVID-19 từng bước được kiểm soát, xuất khẩu cá tra hoạt động ổn định nên lượng hàng hóa tại các doanh nghiệp chế biến được tiêu thụ mạnh. Vừa qua nhiều hộ nuôi cá tra thua lỗ kéo dài nên đã “treo ao”, hiện nay xuất khẩu đang thuận lợi với số lượng lớn, nên giá cá tra nguyên liệu lên cao.

 Để ngành hàng cá tra tiêu thụ mạnh, bảo đảm chất lượng xuất khẩu, tỉnh Đồng Tháp đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn tại các huyện Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Châu Thành và huyện Cao Lãnh.

Tỉnh Đồng Tháp đã cấp mã số nhận diện vùng nuôi với gần 100% diện tích nuôi cá tra thương phẩm; trong đó, 60% diện tích thả nuôi cá tra đạt chuẩn quốc tế.

Các vùng sản xuất đã được cấp 368 mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm với diện tích 1.509,2 ha; sản xuất theo quy trình, quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC và tương đương với diện tích 827 ha chiếm trên 55% diện tích nuôi.

 Chuỗi liên kết-hợp tác trong sản xuất cá tra tại tỉnh đã phát triển khép kín. Toàn tỉnh hiện có 2 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác và 1 Hội quán hoạt động sản xuất và dịch vụ phục vụ ngành hàng cá tra và 20 doanh nghiệp nuôi cá tra xuất khẩu. Các hộ nuôi nhìn chung đều có hợp đồng liên kết hoặc gia công cho các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh.

Hiện toàn tỉnh có hơn 60% nuôi cá tra theo quy trình khép kín từ ương giống, nuôi, chế biến và xuất khẩu là những doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổ định giảm được rủi ro thua lỗ vì có sẳn nguyên liệu và lãi từ chế biến xuất khẩu bù đắp vào việc nuôi.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp phối hợp với Sở Công Thương vừa qua đã tăng cường thông tin thị trường mà Việt Nam đã ký các FTA, để định hướng cho người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra; Đổi mới, tìm kiếm thị trường tiêu thụ mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp; đồng thời còn theo dõi sát tình hình xuất khẩu cá tra của doanh nghiệp để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nuôi cá tra, doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh xuất khẩu.

Nguyễn Văn Trí (TTXVN)
Giá cá tra nguyên liệu tăng
Giá cá tra nguyên liệu tăng

Dù ảnh hường dịch COVID-19 nhưng xuất khẩu cá tra ở tỉnh Đồng Tháp hoạt động ổn định nên lượng hàng hóa tại các doanh nghiệp chế biến cá tra tiêu thụ mạnh trở lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN