Giá cà phê Robusta gần chạm mức lịch sử, giá dầu quay đầu lao dốc

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), thị trường hàng hóa nguyên liệu diễn biến phân hóa mạnh trong tuần giao dịch vừa qua (20-26/1).

Đóng cửa, lực bán chiếm ưu thế kéo chỉ số MXV-Index giảm nhẹ 0,02% và dừng lại mốc 2.307 điểm. Đáng chú ý, trên thị trường năng lượng, ngoại trừ khí tự nhiên, toàn bộ mặt hàng trong nhóm đều chìm trong sắc đỏ. Riêng dầu thô quay đầu, ghi nhận tuần lao dốc đầu tiên trong năm 2025. Trong khi đó, thị trường nguyên liệu lại chứng kiến sự khởi sắc mạnh mẽ, nổi bật, giá hai mặt hàng cà phê bứt phá lần lượt gần 6% và 10,8%. 

Chú thích ảnh

Giá cà phê Arabica “chọc thủng” mốc 7.600 USD/tấn 

Thị trường nguyên liệu công nghiệp kết thúc tuần giao dịch trong sắc xanh tích cực, với những diễn biến đáng chú ý trên thị trường cà phê. Cụ thể, giá cà phê Arabica tăng mạnh 5,85%, xác lập đỉnh giá mới ở mức 7.662 USD/tấn, trong khi giá cà phê Robusta cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng gần 10,8%, chạm ngưỡng 5.544 USD/tấn, thấp hơn 21 USD so với mốc lịch sử được ghi nhận vào phiên giao dịch ngày 28/11 năm ngoái là 5.565 USD/tấn. Như vậy, chỉ sau 5 phiên giao dịch giá tăng liên tiếp, kể từ ngày ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ, giá cà phê Robusta đã tăng gần 400 USD/tấn. 

Chú thích ảnh

Theo MXV, những lo ngại về nguồn cung toàn cầu kết hợp cùng với việc đồng USD suy yếu đã hỗ trợ giá và thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trên thị trường cà phê trong tuần vừa qua. 

Ngay phiên giao dịch đầu tuần giá cà phê đã tăng mạnh sau khi báo cáo của Ngân hàng đầu tư Itau BBA cho biết sản lượng cà phê Brazil trong năm 2025 được dự báo sẽ tiếp tục duy trì dưới ngưỡng trung bình lịch sử, đánh dấu năm thứ 5 liên tiếp nguồn cung thiếu hụt. Bên cạnh đó, ngân hàng này còn nhận định giá cà phê thế giới sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao và nhiều khả năng sẽ tiếp tục leo thang trong thời gian tới, dưới áp lực từ nhu cầu tiêu thụ toàn cầu gia tăng, trong khi bối cảnh nguồn cung cà phê Arabica dự kiến sẽ khan hiếm từ năm 2025 đến đầu năm 2026.

Trước đó, theo số liệu mới công bố từ Viện Địa lý và Thống kê Brazil (IBGE), sản lượng cà phê nước này dự kiến đạt 53,2 triệu bao loại 60 kg trong năm 2025, giảm 6,8% so với năm 2024. Riêng sản lượng cà phê Arabica được dự báo đạt 35,6 triệu bao, tương đương mức sụt giảm 11,2%.

Đáng chú ý, Cơ quan Cung ứng Mùa vụ Brazil (CONAB) cũng vừa điều chỉnh giảm dự báo tổng sản lượng cà phê năm 2024 xuống còn 54,22 triệu bao, giảm 1,05% so với báo cáo trước và thấp hơn 1,6% so với năm 2023. Nguyên nhân chủ yếu đến từ những lo ngại về điều kiện thời tiết tại các vùng trọng điểm. Trong đó, sản lượng Arabica ước đạt 39,6 triệu bao, tăng nhẹ so với dự báo tháng 9/2024 và cao hơn 1,8% so với năm trước. Trong khi đó, sản lượng Robusta dự kiến đạt 14,62 triệu bao, tăng 4% so với báo cáo trước nhưng giảm gần 10% so với năm 2023.

Diễn biến tăng giá của cà phê còn được hỗ trợ bởi yếu tố tỷ giá. Kết thúc tuần, chỉ số Dollar Index suy yếu 1,74% xuống 107,4 điểm. Đồng USD giảm giá trong khi đồng Real Brazil mạnh lên khiến nông dân Brazil có tâm lý hạn chế bán ra do thu về ít ngoại tệ, dẫn đến nguồn cung xuất khẩu giảm sút.

Tại Việt Nam - quốc gia sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới, thị trường gần như "đóng băng" khi người dân và doanh nghiệp bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 9 ngày. Trước đó, tâm lý kỳ vọng giá tăng sau kỳ nghỉ lễ đã khiến nhiều hộ nông dân hạn chế bán ra, góp phần đẩy giá cà phê lên cao hơn.

Giá dầu rời xa mốc 80 USD/thùng, chấm dứt chuỗi tăng 4 tuần liên tiếp

Tuần giao dịch vừa qua (20-26/1), lực bán chiếm áp đảo trên thị trường năng lượng. Đáng chú ý, trên thị trường dầu thô, ngay sau ngày ông Donald Trump quay lại Nhà Trắng, giá hai mặt hàng đã quay đầu trượt dốc. Sắc đỏ kéo dài trong cả tuần khiến giá dầu càng rời xa mốc 80 USD/thùng và chỉ hồi phục nhẹ vào phiên giao dịch ngày thứ Sáu (24/1).

Chú thích ảnh

Đóng cửa tuần, giá dầu thô WTI đánh mất 3,53% xuống còn 74,66 USD/thùng; giá dầu Brent cũng giảm 2,83% xuống 78,5 USD/thùng, chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp.

Ngay các phiên khởi động đầu tuần, giá dầu đã liên tục đi xuống khi Tổng thống Trump thông báo sẽ tích cực lấp đầy kho dự trữ chiến lược và thúc đẩy xuất khẩu năng lượng Mỹ. Cụ thể, trong ngày nhậm chức, ông Trump đã ký văn bản ban bố "tình trạng khẩn cấp về năng lượng quốc gia" và ký một số sắc lệnh hành pháp tập trung vào ngành năng lượng. Ông cũng bãi bỏ lệnh cấm cho thuê dầu khí ngoài khơi vào phút chót của Tổng thống Biden, đóng băng các dự án năng lượng tái tạo và rút Mỹ khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris. Các hành động này mở đường cho việc Mỹ tối đa hóa khả năng sản xuất dầu khí trong nước, đồng thời lấp đầy kho dự trữ chiến lược.

Trong bối cảnh Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) đang duy trì cắt giảm 5,86 triệu thùng dầu/ngày và một số nước dự kiến sẽ nới lỏng sản lượng vào tháng 4 năm nay, chính sách mở rộng hoạt động sản xuất của ông Trump đã khiến thị trường thêm căng thẳng về tình trạng thặng dư. Điều này tiếp tục gây áp lực lên giá dầu trong phiên giao dịch thứ 2 của tuần.

Những lo ngại về các lệnh trừng phạt của Tổng thống Trump lên Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, cũng như các lệnh trừng phạt của Mỹ tới Nga và Iran – hai nước xuất khẩu dầu chính, đã khiến giá dầu tiếp tục lao dốc phiên thứ 3 trong tuần.

Giá dầu ghi nhận mức giao dịch thấp nhất trong tuần vào thứ 5 (23/1) sau khi ông Trump yêu cầu OPEC, đứng đầu là Saudi Arabia phải hạ giá dầu xuống, chịu trách nhiệm về cuộc chiến tại Ukraine và kêu gọi thế giới hạ lãi suất trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sỹ).

Giá dầu chỉ nhích tăng nhẹ vào phiên cuối tuần nhờ thông tin tồn kho dầu của Mỹ đã giảm 1 triệu thùng xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2022. Tuy nhiên, mức giảm này thấp hơn kỳ vọng, trong khi tồn kho xăng tăng đã làm hạn chế đà tăng giá.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Mỹ kêu gọi OPEC giảm giá dầu, thị trường năng lượng đi xuống
Mỹ kêu gọi OPEC giảm giá dầu, thị trường năng lượng đi xuống

Giá dầu giảm hơn 1% trong phiên giao dịch sáng 27/1 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) giảm giá. Trước đó, ông Trump cũng đã thông báo một loạt biện pháp nhằm thúc đẩy sản lượng dầu mỏ và khí đốt của Mỹ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN