Kết thúc phiên giao dịch ngày 2/11, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 138,79 điểm (0,39%), lên 36.052,63 điểm, ghi dấu phiên tăng cao kỷ lục thứ ba liên tiếp và lần đầu tiên vượt 36.000 điểm. Trong khi đó, chỉ số S&P 500 tăng 16,98 điểm (0,37%), lên 4.630,65 điểm. Chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi thêm 53,69 điểm (0,34%), lên 15.649,60 điểm. Đây là phiên thứ 4 liên tiếp hai chỉ số này ghi nhận mức cao kỷ lục mới.
Cổ phiếu của Pfizer tăng 4,1% sau khi hãng dược phẩm này cho biết dự kiến doanh thu bán vaccine ngừa COVID-19 phát triển cùng với đối tác BioNTech của Đức vào năm 2021 đạt 36 tỷ USD.
Nhìn chung, doanh thu quý III của các doanh nghiệp Mỹ đều tốt hơn mong đợi khi nền kinh tế tiếp tục phục hồi từ đại dịch COVID-19. Khoảng 320 công ty đã báo cáo kết quả kinh doanh quý III từ đầu mùa tới nay, khiến doanh thu của nhóm doanh nghiệp thuộc S&P 500 dự kiến sẽ tăng 40,2% trong quý III so với một năm trước đó.
Bill Northey, Giám đốc đầu tư cấp cao tại ngân hàng U.S. Bank Wealth Management, cho biết, trong vài tuần tới, nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ sự điều chỉnh trong chính sách của FED và quan tâm hơn tới những yếu tố vĩ mô, sau khi mùa báo cáo lợi nhuận khép lại.
Dự kiến, trong ngày 3/11, FED sẽ thông qua kế hoạch giảm quy mô chương trình mua trái phiếu hàng tháng trị giá 120 tỷ USD đang được áp dụng để hỗ trợ nền kinh tế trong thời kỳ đại dịch. Các nhà đầu tư cũng sẽ tập trung vào các bình luận về lãi suất và khả năng duy trì đà tăng của lạm phát gần đây.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á có xu hướng trái chiều do những lo ngại về nguy cơ dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc Đại lục sau khi xuất hiện các ca mắc mới tại nước này. Trong phiên giao dịch sáng 3/11, chỉ số chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (MSCI), không kể Nhật Bản, đã giảm 0,33%. Thị trường chứng khoán Nhật Bản ngày 3/11 đóng cửa do nghỉ lễ. Các chỉ số chứng khoán tại thị trường Hàn Quốc tiếp tục giảm điểm trong sáng 3/11 khi các nhà đầu tư tập trung theo dõi quyết sách của FED.