Tuy nhiên, theo khảo sát của Bloomberg, ngày càng nhiều nhà kinh tế kỳ vọng BoJ sẽ tăng lãi suất một lần nữa vào tháng Mười, khi đồng yen xuống mức thấp nhất trong 34 năm.
Theo Bloomberg, 52 trong số 53 nhà kinh tế được hỏi dự đoán Thống đốc BoJ Kazuo Ueda và các thành viên ban điều hành ngân hàng này dự kiến sẽ giữ lãi suất ngắn hạn vào khoảng 0-0,1% tại cuộc họp chính sách trong tuần này, sau khi BoJ tạm dừng chương trình nới lỏng tiền tệ quy mô lớn vào tháng trước.
Chỉ năm tuần kể từ bước ngoặt thay đổi chính sách tiền tệ, ông Ueda đang phải đối mặt với thách thức đạt được sự cân bằng giữa việc đặt mức giá sàn cho đồng yen đồng thời hỗ trợ đà phục hồi kinh tế mong manh.
Đồng yen đã suy yếu ngay cả sau khi Nhật Bản tiến hành đợt tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2007. Đà giảm của đồng tiền này có thể thúc đẩy lạm phát và một số lãnh đạo doanh nghiệp đã bắt đầu bày tỏ lo ngại về những tác động trên diện tổng. Đồng yen đã có lúc giảm xuống 154,85 yen/USD, mức thấp nhất kể từ tháng 6/1990 trong tuần này.
Biến động tỷ giá đã khiến những nhà giao dịch trên thị trường hướng sự chú ý vào việc liệu BoJ có thể gửi tín hiệu rõ ràng hơn về việc bình thường hóa chính sách trong thời gian này hay không.
Nhà kinh tế Ryutaro Kono tại BNP Paribas SA, nhận định rủi ro đang gia tăng đối với việc tăng lãi suất vào tháng Sáu hoặc tháng Bảy khi đồng yen sẽ tiếp tục giảm.
Trong khi đó, cựu giám đốc bộ phận quốc tế của BoJ, Shigeto Nagai, tỏ ra nghi ngờ về khả năng BoJ sẽ phản ứng với đồng yen yếu, bởi vì khoảng cách lãi suất giữa BoJ và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quá lớn để Nhật Bản có thể tự giải quyết.
Phát biểu trong một cuộc họp báo sáng 23/4, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki khẳng định Nhật Bản sẽ có hành động thích hợp để ứng phó những biến động quá mức trên thị trường tiền tệ mà không loại trừ bất kỳ phương án nào.
Bộ trưởng Suzuki cho biết Chính phủ Nhật Bản đang theo dõi sát các diễn biến trên thị trường ngoại hối đồng thời duy trì liên lạc chặt chẽ với cơ quan quản lý tiền tệ của các quốc gia khác. Trước đó, những người đứng đầu ngành tài chính của Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về sự mất giá mạnh của đồng yen và won so với đồng USD.
Về phía BoJ, Thống đốc Ueda không loại trừ khả năng ứng phó với tỷ giá hối đoái bằng một động thái chính sách nếu tác động đến giá cả được coi là “không đáng kể”. Các nhà giao dịch đang tỏ ra thận trọng về khả năng các quan chức Nhật Bản có thể can thiệp bằng việc mua vào đồng yen, như đã làm năm 2022.
Ông Ueda kỳ vọng các điều kiện tài chính sẽ tiếp tục thuận lợi để đảm bảo không có sự gián đoạn đối với thị trường hoặc sự phục hồi kinh tế xuất phát từ chính sách xoay trục của BoJ. Trong một phát biểu mới đây, ông Ueda cho biết nếu lạm phát cơ bản tiếp tục tăng, BoJ có thể sẽ tăng lãi suất.
Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản (MIC) ngày 19/4 cho biết lạm phát giá tiêu dùng không tính thực phẩm tươi sống tháng 3/2024 của nước này đã tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước và hạ nhiệt so với mức tăng 2,8% trong tháng 2/2024.
Trong khi đó, lạm phát giá tiêu dùng không tính cả thực phẩm tươi sống và giá năng lượng ở mức 2,9%, giảm xuống dưới 3% lần đầu tiên kể từ tháng 11/2022. Mặc dù lạm phát giá tiêu dùng đang tăng chậm lại, song vẫn duy trì ở mức bằng hoặc trên 2% trong 24 tháng.
Trong một cuộc phỏng vấn truyền thông vào đầu tháng này, Thống đốc BoJ Ueda đã đánh đi tín hiệu về khả năng tăng lãi suất vào nửa cuối năm nay khi xu hướng giá cải thiện. Theo các nhà kinh tế, sự mất giá nhanh chóng gần đây của đồng yen có thể đẩy sớm mốc thời gian tăng lãi suất.
Tại cuộc họp vào tháng 3/2024, BoJ đã dừng chính sách lãi suất âm và áp dụng lãi suất ngắn hạn trong khoảng 0-0,1%.
BoJ đã dừng việc mua một số tài sản như các quỹ giao dịch chứng khoán Nhật Bản và quỹ tín thác đầu tư bất động sản đã thực hiện nhằm hỗ trợ các thị trường chứng khoán trong những giai đoạn biến động.
Tuy nhiên, BoJ cam kết mua lượng gần như tương đương trái phiếu chính phủ dài hạn để ngăn chặn nguy cơ lãi suất dài hạn tăng sau khi bỏ trần lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm.