Theo đại diện các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại TP Hồ Chí Minh, thị trường xăng dầu trên thế giới có nhiều biến động, căng thẳng địa chính trị tại một số quốc gia cung ứng lớn xăng dầu trên thế giới đã ảnh hưởng đến việc cung ứng năng lượng khi nhu cầu trên thị trường đang có xu hướng tăng lên. Dự báo trong thời gian tới, giá dầu thô thế giới tiếp tục điều chỉnh, có khả năng đạt ngưỡng 100 USD/thùng. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn tạm dừng nhập khẩu dầu thô nguyên liệu đã tác động không nhỏ đến thị trường xăng dầu. Đồng thời, theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP năm 2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP năm 2014 về kinh doanh xăng dầu, thời gian điều chỉnh giá xăng dầu giảm từ 15 ngày còn 10 ngày, vào các ngày 1, 11 và 21 hằng tháng.
Do thời điểm điều chỉnh (ngày 1/2/2022) trùng với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022, chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo, nên kéo dài chu kỳ điều chỉnh giá. Trong khi giá xăng dầu thế giới tăng, các doanh nghiệp trong nước đã phải giảm chiết khấu (trong một số thời điểm, một số doanh nghiệp phải điều chỉnh chiết khấu là 0%) dẫn đến tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều đại lý có tâm lý tạm ngưng kinh doanh để giảm lỗ.
Đại diện Sở Công thương TP Hồ Chí Minh cho biết, sau cuộc họp giữa lãnh đạo UBND TP Hồ Chí Minh và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đa số các thương nhân đều cam kết bảo đảm lượng hàng dự trữ, ổn định giá cả các mặt hàng xăng dầu trên địa bàn thành phố. Hiện nay, do nguồn cung trong nước gặp khó khăn, doanh nghiệp cũng đang có kế hoạch tăng cường đàm phán với đối tác cung ứng nước ngoài để nhập khẩu, bảo đảm đủ mức dự trữ xăng dầu tối thiểu bằng 30 ngày cung ứng, trong bất kỳ tình huống nào cũng có thể đáp ứng tốt nhất theo khả năng và tồn kho thị trường.
Hiện một số doanh nghiệp chủ lực kinh doanh xăng dầu lớn đang đi đàm phán cung ứng xăng dầu như: Công ty xăng dầu KV II – TNHH MTV (Petrolimex), Công ty CP Xăng dầu và Dịch vụ Hàng hải STS, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH MTV (Satra)… Các doanh nghiệp này cũng cam kết bảo đảm nguồn cung ứng ra thị trường liên tục trong 40-60 ngày.
Để chủ động, bảo đảm nguồn cung ứng xăng dầu trên địa bàn và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, bình ổn thị trường ngay từ đầu năm 2022, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố sẽ kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Tài chính nghiên cứu tham mưu Chính phủ trong các trường hợp đặc biệt cần có cơ chế linh hoạt, điều chỉnh giá xăng dầu kịp thời để các doanh nghiệp đầu mối chủ động, điều phối nguồn cung phù hợp, bảo đảm hài hòa lợi ích cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. UBND Thành phố cũng đề nghị các doanh nghiệp có kế hoạch nhập khẩu, bảo đảm nguồn cung, duy trì xăng dầu trong hệ thống để bán hàng liên tục, phục vụ sản xuất, tiêu dùng tại TP Hồ Chí Minh
Theo thống kê của Sở Công thương TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 9/2, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 548 cửa hàng bán lẻ xăng dầu (chỉ có 2 cửa hàng tạm ngưng hoạt động), 15 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, 57 thương nhân phân phối, 1 thương nhân là tổng đại lý, 18 đại lý bán lẻ. Hệ thống kho dự trữ xăng dầu hiện nay trên địa bàn có công suất chứa 1.232.129 m3 (chưa tính hệ thống kho xăng dầu của đơn vị quân đội đang đóng trên địa bàn thành phố làm nhiệm vụ cấp phát xăng dầu phục vụ Quốc phòng và có tham gia bán lẻ), bảo đảm đủ mức tồn trữ xăng dầu tối thiểu 30 ngày theo quy định. Tổng lượng tiêu thụ xăng dầu bình quân trên địa bàn đạt 6.880 m3/ngày (tương đương 206.404 m3/tháng).