"Khát” vốn mua hàng dự trữ, khó về tài sản thế chấp
Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Công ty CP Dầu khí Sơn Hải chia sẻ: Công ty cần nguồn vốn tín dụng để đảm bảo dự trữ được nguồn hàng và cấp tín dụng thương mại, bán hàng trả chậm cho các khách hàng.
“Xăng dầu là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, Nhà nước quản lý giá bán lẻ điều chỉnh theo chu kỳ 15 ngày/lần, trong khi giá thế giới biến động, khiến công ty khó dự báo chính xác. Vì vậy, doanh nghiệp phải tính toán vòng quay hàng hóa tồn kho để không bị thiệt hại. Nguồn vốn tín dụng giúp doanh nghiệp tăng dự trữ số lượng tồn kho trong ngắn hạn trước mỗi chu kỳ tăng giá; giúp có thêm thời gian bán hàng trong chu kỳ giảm giá”, Chủ tịch Dầu khí Sơn Hải nói.
Một khó khăn mà doanh nghiệp gặp là khi cấp tín dụng, các ngân hàng yêu cầu phải có TSĐB là nhà đất, tài sản cố định có giá trị cao. Thế nhưng, tài sản bị định giá ở mức độ thấp so với giá trị thị trường (từ 20 - 25%) và cho vay với tỷ lệ 70% khiến doanh nghiệp không có đủ tài sản tích lũy để thế chấp.
“Khó khăn chung của các DNNVV là không có nhiều TSĐB để đi vay. Điều này khiến công ty dù ký nhiều hợp đồng, nhưng không có tiền để thu mua nguyên liệu giao hàng kịp thời”, đại diện Công ty Tuấn Minh nói.
Để gỡ vốn, ông Đức Hạnh cho hay: Hiện, gói tín dụng ngắn hạn dưới 1 tháng phù hợp, các ngân hàng nên thiết kế riêng các gói tín dụng cho các doanh nghiệp phân phối xăng dầu với lãi suất từ 5 - 6%/năm; áp dụng biện pháp bảo đảm dựa trên uy tín, tài sản hình thành từ vốn vay.
Đồng tình về khó khăn TSĐB, bà Trần Thu Hằng, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam nói: “Doanh nghiệp đang vay với lãi suất thấp, nhưng cần phải có TSĐB. Tuy nhiên, có bao nhiêu tài sản đều đã mang đi thế chấp, nếu muốn mở rộng sản xuất thì gặp nhiều khó khăn. Ngân hàng yêu cầu có sổ tiết kiệm ngân hàng thì thế chấp bằng chính tài khoản tiết kiệm đó, nhưng nếu có tiền tiết kiệm ngân hàng, chúng tôi đã không phải đi vay”, bà Hằng nói.
Ngân hàng "than khó" về năng lực doanh nghiệp
Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam, hầu hết các doanh nghiệp tư nhân có quy nhỏ và vừa đang cần vốn, nhưng khả năng tài chính của các doanh nghiệp này bị hạn chế. Bên cạnh đó, do DNNVV không có TSĐB hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp do thông tin chưa minh bạch, một số DNNVV thường xử lý số liệu trước khi gửi bộ hồ sơ vay đến ngân hàng.
“Thực trạng hệ thống báo cáo tài chính của các DNNVV, siêu nhỏ chưa chuẩn chỉnh, chưa đầy đủ thông tin hoặc chưa chính xác, gây khó cho ngân hàng khi thẩm định thông tin. Ngoại trừ những doanh nghiệp đã đạt mức tín nhiệm cao có thể vay tín chấp, thì đa số các doanh nghiệp không đủ TSĐB, đáp ứng tiêu chí thanh khoản và giá trị đảm bảo tốt theo quy định. Ngân hàng cũng gặp rủi ro lớn khi cho vay đối tượng khách hàng doanh nghiệp phân khúc này. Với các doanh nghiệp siêu nhỏ thường quản trị tài chính chưa tốt, nên khiến ngân hàng khó quản lý dòng tiền để thu hồi nợ”, đại diện LienVietPost Bank cho hay.
Vì vậy, phía các NHTM cho rằng: Các doanh nghiệp cần phải nâng cao tính minh bạch trong kinh doanh, điều hành. Doanh nghiệp có bộ máy kinh doanh được tổ chức bài bản sẽ giúp ngân hàng dễ dàng quyết định cho vay. Các DNNVV cũng cần phải áp dụng các hệ thống quản trị nội bộ để đáp ứng yêu cầu về điều kiện cho vay của các ngân hàng.
Để tăng hiệu quả kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, đại diện BIDV đề nghị: NHNN nghiên cứu giải pháp tái cấp vốn, cấp bù lãi suất, có cơ chế xác định nhóm nợ và cơ chế trích lập dự phòng, xử lý rủi ro riêng… để khuyến khích các NHTM triển khai. Phía NHNN cần rà soát tháo gỡ quy định cho vay về hồ sơ cho vay đối với trường hợp tháo gỡ bảo đảm 100% bằng tiền gửi, nhằm cắt giảm hồ sơ, thủ tục cho khách hàng doanh nghiệp.
Một số NHTM cũng đề nghị Bộ Tài chính tập trung gỡ khó về cơ chế chính sách bảo lãnh tín dụng cho đối tượng DNNVV khi vay vốn, để đẩy mạnh triển khai bảo lãnh tín dụng cho lĩnh vực này tại hệ thống Quỹ bảo lãnh tín dụng tại các địa phương.
Ông Trần Văn Tần, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) cho biết: 3 tháng đầu năm 2019, dư nợ tín dụng nền kinh tế tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018. Nguồn vốn tín dụng được đẩy mạnh tập trung các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; trong đó, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 3,63%, tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 7,25%, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 3,5%.
Từ năm 2014 đến nay, ngân hàng đã có 1.500 buổi gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, qua đó tháo gỡ khó khăn cho 195.000 doanh nghiệp, với tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt gần 2,5 triệu tỷ đồng với lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6 - 9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 9 - 11%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn.
Đáp ứng đủ vốn cho sản xuất, kinh doanh
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định: Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục hỗ trợ tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng có hiệu quả, chú trọng vào các lĩnh vực sản xuất, lĩnh vực ưu tiên; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thường xuyên phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương các tỉnh, thành phố để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Dù phải thắt chặt tín dụng như thế nào, thì ngành ngân hàng vẫn sẽ đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn sản xuất kinh doanh, đặc biệt là 5 lĩnh vực ưu tiên.