Cơ sở chế biến nước mắm Đại Phát ở xã An Đình, huyện Long Hồ. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Ngày 24/10, tại hội thảo trao đổi một số thông tin trong sản xuất nước mắm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, các hiệp hội nước mắm truyền thống đã thống nhất chương trình hành động để bảo tồn, phát triển, cải thiện chất lượng nước mắm truyền thống, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Đại diện cho 5 hiệp hội sản xuất nước mắm truyền thống trong cả nước, ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết (Bình Thuận) cho biết, trước mắt các hiệp hội sẽ vận động 2.800 doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống trong cả nước cùng tham gia nguồn lực, chia sẻ kinh nghiệm để bảo vệ và phát triển đặc sản nước mắm làm từ cá và muối. Bên cạnh đó, các hiệp hội sẽ tự công bố chuẩn mực của nước mắm truyền thống; thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm và công bố những sản phẩm đạt chuẩn mực; thực hiện cơ chế kiểm tra giám sát nội bộ để đảm bảo các sản phẩm đăng ký đạt chuẩn mực đã thống nhất. Đồng thời, tăng cường các hoạt động truyền thông để người tiêu dùng hiểu rõ về giá trị nước mắm truyền thống và các địa chỉ bán nước mắm truyền thống.
Các hiệp hội, doanh nghiệp nước mắm truyền thống cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm giao cho các Bộ chuyên ngành soạn thảo và ban hành quy chuẩn kỹ thuật đối với sản phẩm nước mắm truyền thống để phân biệt rõ với nước mắm công nghiệp hoặc nước chấm. Các quy chuẩn kỹ thuật cần quy định trên cơ sở truyền thống để tránh hiểu sai hoặc cố tình làm người tiêu dùng nhầm lẫn.
Theo các doanh nghiệp, chuyên gia thực phẩm, sau khi có chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ và kết luận của Bộ Y tế khẳng định không có arsen vô cơ trong nước mắm truyền thống đã giải tỏa được sự hoang mang của người tiêu dùng, giúp tình hình sản xuất, tiêu thụ của các doanh nghiệp nước mắm truyền thống đã bước đầu ổn định.
Dưới góc độ của một chuyên gia kinh tế độc lập, ông Nguyễn Hoàng Dũng, Giám đốc Nghiên cứu và Phát triển Viện Kinh tế và Quản lý Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam cần sớm có Luật Hiệp hội, nêu rõ quyền và trách nhiệm của các hội, tránh trường hợp công bố thông tin không đúng chức năng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp làm ăn chân chính. Đồng thời, các doanh nghiệp phải tự bảo vệ chính mình, đầu tư vào thương hiệu để nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh các hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước ngày càng nhiều.