Điều hành tỷ giá linh hoạt theo tín hiệu thị trường

Kể từ đầu năm đến nay, Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã có tổng cộng 6 lần điều chỉnh giá mua vào USD; trong đó có 3 lần tăng giá và 3 lần giảm giá.

Động thái này được đánh giá Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường kể từ khi Việt Nam bắt đầu áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm từ đầu năm 2016.

Giao dịch ngoại tệ tại Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Gần đây nhất, từ ngày 10 - 12/10 Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước đã giảm giá mua USD 15 đồng từ mức 22.725 đồng/USD xuống 22.710 đồng.

Cùng với xu hướng nâng giá mua vào từ 20/6/2017, động thái này được giới chuyên gia đánh giá, Ngân hàng Nhà nước đã có sự linh hoạt trong điều hành tỷ giá bám sát diễn biến cung cầu thị trường.

Thời điểm tháng 6/2017,  khi NHNN nâng giá mua USD, được xem là nằm trong thế chủ động định hướng thị trường, gián tiếp hạn chế việc VND lên giá, hỗ trợ cho xuất khẩu… Đồng thời giúp NHNN mua vào ngoại tệ, tăng dự trữ ngoại hối cho quốc gia.

Thì đến thời điểm trung tuần tháng 10, việc giảm giá mua USD được NHNN cho biết đã bám sát diễn biến cung  - cầu thị trường.

Phân tích lý do này, chuyên gia ngân hàng TS Bùi Quang Tín, CEO Trường doanh nhân Bizlight cho rằng, việc này phù hợp các diễn biến nguồn cung USD đang dồi dào từ thu hút đầu tư nước ngoài từ đầu năm đến nay tiếp tục tăng cao, xuất siêu tháng sau cao hơn tháng trước và nguồn kiều hối cộng với tiết kiệm trong dân ổn định.

Tuy nhiên, một điểm nhấn trong điều chỉnh chính sách tỷ giá gần đây còn là NHNN sử dụng công cụ giao dịch kỳ hạn, cho thấy tính linh hoạt trong chính sách điều hành của NHNN.

Với việc cho phép sử dụng sản phẩm mua kỳ hạn giúp các NHTM có thêm lựa chọn bán ngoại tệ cho NHNN trong tương lai với mức giá hiện tại, mà không lo giá sẽ giảm trong tương lai.

Theo các chuyên gia, việc này sẽ mang lợi kép cho các NHTM, giúp các ngân hàng vừa chủ động cân đối nguồn ngoại tệ vừa có thêm nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh đang bước vào những tháng cao điểm.

“Thời điểm cuối năm cung tiền thường tăng cao, nếu xử lý không khéo lại tạo áp lực lên lạm phát. Do đó đòi hỏi NHNN vừa khéo chọn công cụ vừa phải theo dõi sát diễn biến lạm phát để thực hiện tiền bơm – hút nhịp nhàng”, TS Võ Trí Thành đánh giá.

Điển hình như việc nới kỳ hạn tín phiếu từ 7 ngày lên 14 ngày với khối lượng khá linh hoạt theo lượng ngoại tệ mà NHNN mua vào để đảm bảo tăng dự trữ ngoại hối, qua đó không gây áp lực lên lạm phát và không ảnh hưởng đến điều hành tỷ giá, TS. Võ Trí Thành nhận xét.

PGS. TS Nguyễn Thị Mùi, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhìn nhận, việc NHNN liên tiếp hạ giá mua vào USD như gần đây là tín hiệu mới, cho thấy sự linh hoạt hơn của nhà điều hành trong ứng xử với tỷ giá.

Cụ thể, khi thấy xu hướng đồng USD giảm giá vẫn tiếp diễn, NHNN chủ động mua vào một lượng lớn để tăng dự trữ quốc gia. Hiện quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia đạt 45 tỷ USD- mức kỷ lục từ trước tới nay. Song song với hoạt động này, NHNN đã tăng khối lượng tín phiếu NHNN với kỳ hạn dài hơn để hút bớt tiền đồng đã đưa ra mua ngoại tệ, không tạo áp lực cung tiền.


Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, từ nay đến cuối năm khi nhu cầu đô la Mỹ cho thanh toán cuối năm tăng cùng với các yếu tố từ bên ngoài như sự bất ổn chính trị trên thế giới, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) vẫn chưa quyết định nâng lãi suất trong tháng 12, tỷ giá sẽ vẫn chịu những áp lực. Điều này càng đòi hỏi NHNN có những bước đi vừa linh hoạt, vừa thận trọng.

Tỏ ra khá lạc quan, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho rằng tỷ giá có thể ổn định từ nay đến cuối năm do một số yếu tố. Đó là dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện đang ở mức tương đối lớn là cơ sở để có dư địa điều tiết, bình ổn tỷ giá.

Bên cạnh đó, nguồn cung tiền sẽ tăng khi hướng đến mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 21%; trong khi lãi suất đang nỗ lực giảm xuống theo yêu cầu của Chính phủ. Vì vậy không thể để tăng tỷ giá bới sẽ ảnh hưởng tới lạm phát.

Thêm nữa với khả năng tăng lãi suất của FED vẫn còn là dấu hỏi thì áp lực lên tỷ giá USD/VND chưa mạnh mẽ như đầu năm. Đây cũng là cơ sở để giữ ổn định tỷ giá tới cuối năm 2017. Hay việc Trung Quốc có khả năng phá giá đồng Nhân dân tệ - đồng tiền đang giao dịch rất lớn với thương mại Việt Nam để tăng cường xuất khẩu cũng khó có điều kiện xảy ra như năm 2016 nên gần như không có tác động tới tỷ giá USD/VND.

Trước diễn biến trên, thông điệp đưa ra của NHNN từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt trên cơ sở tham chiếu diễn biến thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, thị trường quốc tế, các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ, cán cân thanh toán và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng mới đây, trong báo cáo gửi đến các đại biểu Quốc hội kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV cũng khẳng định NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và ngoại hối chủ động, linh hoạt nhằm mục tiêu kiểm soát lạm phát, duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối. Qua đó, đã hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý và đảm bảo an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng.

Thu Anh (TTXVN)
Điều hành tỷ giá thích ứng với thị trường
Điều hành tỷ giá thích ứng với thị trường

Bắt đầu từ hôm qua (4/1), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chính thức điều hành tỷ giá theo hình thức mới là công bố tỷ giá trung tâm. Tại họp báo tổ chức chiều qua, NHNN khẳng định, với cách điều hành mới, tỷ giá sẽ linh hoạt tăng giảm hàng ngày nên sẽ không bị biến động mạnh như trước đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN