Dầu thô tăng mạnh, thị trường hàng hoá lấy lại đà khởi sắc

Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), đóng cửa ngày giao dịch hôm qua (7/2), lực mua rất mạnh trên thị trường hàng hóa nguyên liệu, đặc biệt trên nhóm năng lượng và công nghiệp, đã kéo chỉ số MXV- Index đảo chiều bật tăng 1,42% lên 2.372 điểm. 

Chú thích ảnh

Dòng tiền đầu tư cũng đã quay trở lại thị trường. Riêng đối với nhóm năng lượng, giá trị giao dịch tăng hơn 73%, đạt mức hơn 1.100 tỷ đồng. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng hơn 38%, chốt hôm qua ở mức 3.500 tỷ đồng.    

Giá dầu nối dài đà tăng 

Kết thúc phiên giao dịch ngày 07/02, dầu thô đã ghi nhận một phiên tăng mạnh, với dầu WTI tăng 4,09% lên 77,14 USD/thùng và dầu Brent tăng 3,83% lên 84,09 USD/thùng. Các nhà cung cấp dầu lớn và báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn (STEO) tháng 2 từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đều cho thấy góc nhìn tích cực hơn đối với nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc, đã hỗ trợ cho giá. Bên cạnh đó, các phát biểu mới nhất của chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã xoa dịu một phần lo ngại về việc dữ liệu lao động mạnh mẽ có thể thúc đẩy lãi suất tăng mạnh hơn. Đồng Dollar Mỹ hạ nhiệt sau 3 phiên tăng liên tiếp cũng đã góp phần thúc đẩy lực mua trên thị trường dầu. 

Chú thích ảnh

Lực mua xuất hiện ngay từ phiên mở cửa trước một vài lo ngại kéo dài về nguồn cung cấp dầu tại trạm Ceyhan, xuất khẩu khoảng 1 triệu thùng dầu/ngày đã bị tạm dừng sau khi một trận động đất lớn xảy ra trong khu vực. Ngoài ra, công ty Equinor cũng cho biết họ đã tạm dừng sản xuất dầu tại Johan Sverdrup Stage 1, mỏ sản xuất lớn nhất Biển Bắc, với công suất khoảng 535.000 thùng dầu/ngày do hệ thống kỹ thuật gặp sự cố. 

Về nhu cầu, việc Saudi Arabia đã chính thức tăng giá bán dầu thô của họ đối với thị trường châu Á lần đầu tiên sau ba tháng, thêm 0,2 USD/thùng, do nhu cầu tiêu thụ tại thị trường Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phục hồi tích cực hơn cũng đã giúp dầu thô duy trì sắc xanh. 

Báo cáo STEO cũng cho thấy nhu cầu ở Trung Quốc sẽ tăng 700.000 thùng/ngày trong năm nay và 400.000 thùng/ngày vào năm 2024. Cơ quan này cũng dự báo sản lượng xăng dầu và các chất lỏng khác của Nga sẽ giảm khoảng 1 triệu xuống còn 9,9 triệu thùng/ngày vào năm 2023. Tuy nhiên, con số đó cao hơn 400.000 thùng/ngày so với dự báo hồi tháng 1 do xuất khẩu của Nga vẫn cao hơn dự kiến trước đó bất chấp lệnh trừng phạt vào đầu tháng 12. 

Theo EIA, dự báo nhu cầu dầu cho năm 2023 không đổi so với báo cáo trước, đạt mức 100,47 triệu thùng/ngày. Báo cáo cho thấy cơ quan này điều chỉnh giảm nhu cầu trong 2 quý đầu năm 2023, trong khi tăng dự báo nhu cầu cho 2 quý cuối năm, với nhu cầu tại Trung Quốc và các nước không thuộc OECD bù đắp cho sự suy yếu từ các quốc gia khu vực OECD. Trong khi đó, về nguồn cung, tăng trưởng trong sản lượng của các nước ngoài OPEC trong cả năm 2023 và 2024 được dự đoán sẽ bù đắp cho sự sụt giảm khoảng 1,1 triệu thùng/ngày trong sản xuất của Nga. Cán cân cung cầu dưới góc nhìn của EIA vẫn thiên về dư cung trong hầu hết giai đoạn dự báo. 

Yếu tố vĩ mô cũng góp phần thúc đẩy lực mua mạnh mẽ trong phiên tối, kéo giá dầu lên vùng cao nhất kể từ đầu tháng 2 sau những nhận định của chủ tịch Fed cho biết dữ liệu lao động bất ngờ mạnh mẽ của Mỹ cho thấy tiến trình thắt chặt tiền tệ cần thời gian để phát huy hoàn toàn hiệu quả. Việc nhấn mạnh tới yếu tố “thời gian” cũng giúp xoa dịu một phần lo ngại trước đó của thị trường, kéo đồng USD hạ nhiệt, và hỗ trợ cho giá dầu. 

Rạng sáng nay, báo cáo từ Viện Dầu khí Mỹ (API) cho thấy tồn kho dầu thô thương mại giảm 2,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 3/2, trái với mức dự đoán tăng của thị trường. Tuy nhiên, tồn kho xăng tăng mạnh 5,2 triệu thùng trong khi tồn kho nhiên liệu chưng cất tăng 1,1 triệu thùng, phản ánh nhu cầu vẫn còn yếu, có thể sẽ là yếu tố hạn chế đà tăng của giá dầu. 

Cà phê Robusta tăng mạnh hơn 2%

Kết thúc phiên giao dịch ngày 07/02, sắc xanh áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. Đáng chú ý khi hai mặt hàng cà phê tiếp tục đà tăng dù có sự rung lắc mạnh ở đầu phiên giao dịch. 

Sau khi bật tăng ngay từ mở đầu phiên giao dịch, giá Arabica chứng kiến sự rung lắc mạnh, đóng cửa giá tăng 0,77% trước những diễn biến trái chiều về nguồn cung tại các nước cung ứng chính. Xuất khẩu chậm lại tại các nước Nam Mỹ như Brazil và Colombia, đặc biệt là Colombia với xuất khẩu trong 01/2023 sụt giảm hơn 19% trong khi sản lượng gần như không đổi, khiến thị trường lo ngại về thiếu hụt nguồn cung ở thời điểm hiện tại và hỗ trợ giá. Trong khi đó, triển vọng nguồn cung tích cực hơn trong niên vụ 2023/24 với dự báo sản lượng tăng hơn 9% lên 67,1 triệu bao đã gây áp lực khiến giá không giữ được mức tăng ban đầu. 

Dù cũng chứng kiến sự giằng co mạnh trong phiên hôm qua, đóng cửa giá Robusta vẫn tăng hơn 2% khi tồn kho tiếp tục suy yếu. Theo báo cáo tồn kho Robusta hàng ngày trên Sở ICE London, mức tồn kho hiện tại đã giảm về 59.650 nghìn bao, thấp nhất kể từ năm 2016. Và với những ước tính về nguồn cung cà phê không mấy tích cực tại Việt Nam và Indonesia trong niên vụ hiện tại khả năng cao sẽ khiến lượng tồn kho tiếp tục thu hẹp và hỗ trợ giá.  

Chú thích ảnh

Sau hai phiên giảm sâu, giá đường 11 ghi nhận sự hồi phục với mức tăng 0,87% khi giá dầu thô bật tăng mạnh. Theo đó, giá dầu thô tăng 4,09% trong phiên hôm qua đã phần nào thúc đẩy các nhà máy ép mía tại Brazil ưu tiên lượng mía ép cho sản xuất ethanol, từ đó gián tiếp khiến nguồn cung đường bị thu hẹp và là yếu tố hỗ trợ giá. Cùng với đó là những lo ngại về nguồn cung tại Ấn Độ vẫn tiếp tục tác động lên thị trường và giúp giá hồi phục.  

Giống với đường thô, giá bông cũng ghi nhận sự hồi phục sau 2 phiên giảm liên tiếp với mức tăng 2,83% trước kỳ vọng nhu cầu tích cực hơn tại Trung Quốc.  

Cùng chung sự khởi sắc với phần đa các mặt hàng trong nhóm, dầu cọ đã tiếp tục tăng hơn 2% trong ngày hôm qua, ghi nhận phiên thứ 2 liên tiếp đóng cửa trong sắc xanh. Lo ngại về nguồn cung sau khi Indonesia có kế hoạch xem xét hạn ngạch xuất khẩu. Bên cạnh đó, theo khảo sát của Reuters, tồn kho cuối tháng 1 của Malaysia có thể sẽ giảm 0,66% so với tháng 12 xuống mức 2,18 triệu tấn, mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua. Đây cũng là thông tin đang hỗ trợ giá. 

Giá cà phê trong nước tăng mạnh hơn 10% kể từ đầu năm nay

Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng nay, cùng chung xu hướng giá thế giới, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tăng mạnh 700 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước được thu mua trong khoảng 43.400 - 44.000 đồng/kg. Như vậy, so với ngày đầu năm nay, giá cà phê nội địa đã tăng rất mạnh hơn 10%. Mức tăng chủ yếu bắt đầu trong tháng 01 và tiếp tục được duy trì trong đầu tháng 02.

Theo số liệu của MXV, giá cà phê robusta được niêm yết trên Sở ICE EU cũng đã tăng mạnh khoảng 10% so với cuối năm 2022 và đạt mức cao nhất trong 3 tháng. Là nước sản xuất robusta số một toàn cầu, giá cà phê tại Việt Nam có sức ảnh hưởng lớn đến giá robusta thế giới.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Giá vàng châu Á tăng chiều 7/2 trước bài phát biểu của Chủ tịch Fed
Giá vàng châu Á tăng chiều 7/2 trước bài phát biểu của Chủ tịch Fed

Giá vàng châu Á tăng trong chiều 7/2, khi các nhà giao dịch chờ đợi bài phát biểu của Chủ tịch Jerome Powell vào cuối ngày để tìm kiếm những gợi ý về kế hoạch tăng lãi suất trong tương lai của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN