Trước đó, gần 11 giờ ngày 14/2, VN-Index đã mất hơn 22 điểm. GAS tiếp tục là cổ phiếu kìm hãm đà tăng của thị trường, theo sau là MSN và VIC cũng không thoát khỏi xu hướng chung của thị trường khi cũng đang chịu áp lực bán tương tự. Ngược lại, VJC đang giao dịch khá lạc quan song sức tăng cũng không kéo thị trường thoát khỏi giằng co.
Nhóm ngân hàng và vật liệu xây dựng đang giao dịch khá phân hóa khi các cổ phiếu thuộc nhóm này tăng giảm luân phiên nhau. Các mã như MBB, EIB, SHB đã cho sắc xanh tích cực, bên cạnh đó các mã thép như HPG, HSG và NKG đang thể hiện mức tăng nhẹ.
Nhóm bán buôn và bán lẻ đang chịu sự điều chỉnh chung từ thị trường. Các cổ phiếu như MWG, MSN và PNJ đang chịu sự điều chỉnh liên tiếp nhiều phiên từ thị trường.
So với đầu phiên, lực bán vẫn tiếp tục duy trì. Số mã giảm đang là hơn 700 mã và số mã tăng là hơn200 mã.
Chốt phiên, VN-Index giảm hơn 21 điểm xuống ở ngưỡng 1.445,48 điểm; HNX-Index giảm 6,44 điểm giảm còn 435,76 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt hơn 638,29 triệu cổ phiếu, tương đương gần 19.190 tỷ đồng.
Theo đánh giá của các chuyên gia chứng khoán, hiện thị trường vẫn đang thể hiện nỗ lực hồi phục. Nếu vùng 1.470- 1.480 điểm bị phá vỡ thì chỉ số có thể rơi về đường MA200 (vùng 1.400-1.420 điểm).
CTCK Tân Việt (TVSI) nhận định, VN-Index tạm thời mất xu hướng tăng trong trung hạn. Trong ngắn hạn, VN-Index dự báo sẽ có nhịp kiểm tra lại đỉnh tháng 7 năm ngoái tại vùng quanh 1.425 điểm.
Trong khi đó, CTCK Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS), trong bối cảnh nhiều chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới bắt đầu cho thấy những tín hiệu hồi phục đầu tiên thì tâm lý giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam hiện vẫn chưa có sự cải thiện nào đáng kể. Thanh khoản từng phiên và cả tuần qua đều sụt giảm, cho thấy dòng tiền vẫn đang lựa chọn đứng ngoài quan sát.
Nhìn chung, sự phân hóa trên thị trường vẫn đang diễn ra với việc nhóm cổ phiếu hưởng lợi từ sự leo thang của giá cả các loại hàng hóa trên thị trường quốc tế, tiếp tục đi ngược lại diễn biến của chỉ số chung cũng như nhóm vốn hóa lớn. Theo đó, nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh giảm để giải ngân với tỷ trọng nhỏ nhằm tích lũy dần những mã cổ phiếu mục tiêu đang được giao dịch ở các vùng giá chiết khấu cho danh mục trung – dài hạn trên cơ sở đánh giá kỹ lưỡng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đồng thời cũng cần chú trọng quản trị rủi ro một cách chặt chẽ và tránh lạm dụng đòn bẩy trong những thời điểm thị trường xuất hiện biến động mạnh.
Còn theo CTCK Đông Á (DAS), VN-Index vẫn vận động trong vùng 1.470-1.500 điểm, tuy nhiên nhà đầu tư cần đánh giá tác động của rủi ro lạm phát lên thị trường chứng khoán hiện nay trước khi mở trạng thái mua mới. Cũng theo DAS, nhà đầu tư có thể quan tâm nhóm cổ phiếu xuất khẩu như dệt may, thủy sản và gỗ nội thất đang thuận lợi về sản lượng và giá bán. Đối với cổ phiếu ngân hàng và bảo hiểm, có thể mua cho vị thế trung hạn khi đang tạo nền giá tích lũy.
CTCK KB Việt Nam (KBSV) thì khuyên nhà đầu tư có thể gia tăng một phần tỷ trọng vị thế trading tại vùng hỗ trợ với các cổ phiếu mục tiêu, nhưng cần giảm thiểu vị thế nắm giữ nếu vùng hỗ trợ đã đề cập bị thủng sau đó.