Cuối phiên sáng, VN - Index tăng 5,88 điểm lên 1073,34 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 454,5 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 8.897 tỷ đồng. Toàn sàn có 239 mã tăng giá, 87 mã đứng ở mốc tham chiếu và 150 mã giảm giá.
HNX - Index tăng 0,91 điểm lên 177,93 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 85,8 triệu đơn vị, tương ứng giá trị gần 1.085 tỷ đồng. Toàn sàn có 90 mã tăng giá, 52 mã tăng giá và 69 mã giảm giá.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực tăng trưởng chính của thị trường. Trong nhóm này chỉ còn duy nhất VCB ở chiều giảm giá khi giảm 0,7%. Các mã còn lại hầu hết đều ở chiều tăng giá.
Các mã tăng mạnh trong nhóm ngân hàng là EIB tăng 7% lên mức giá trần 18.400 đồng/cổ phiếu, TPB tăng 6,2%, HDB tăng 3,8%, VPB tăng 2,4%, SHB tăng 2,3%, BVB tăng 2,2%, LPB tăng 1,7%...
Nhóm cổ phiếu dầu khí cũng diễn biến tích cực. Cụ thể, OIL tăng 12,2%, BSR tăng tới 5,4% và khớp lệnh tới hơn 9,3 triệu đơn vị, PVC tăng 2,9%, PVD tăng 1,7%, PVS tăng 1,2%...
Nhóm cổ phiếu chứng khoán nổi sóng với VND, SBS, WSS, ART, VIG tăng lên mức giá trần. Các mã lớn khác như MBS tăng 7,1%, SHS tăng 6,9%, SSI tăng 6%, VCI tăng 5,1%, HCM tăng 2,7%...
Nhóm cổ phiếu khu công nghiệp cũng rất tích cực với PHR tăng 0,3%, SZL tăng 1,2% , IDC tăng 1,9%, LHG tăng 2%, BAX tăng 2,6%, KBC tăng 4,5 GVR tăng 6,9% lên giá trần.
Điểm tích cực nữa là việc khối ngoại mua ròng trong phiên sáng nay. Cụ thể, khối ngoại mua ròng hơn 133 tỷ đồng trên HOSE và hơn 1 tỷ đồng trên HNX, trong khi bán ròng hơn 8 tỷ đồng trên thị trường UPCoM.
Trên thị trường thế giới, chứng khoán châu Á đa số mất điểm trong sáng 21/12, khi tin tức về gói cứu trợ kinh tế Mỹ bị lu mờ bởi những lo ngại về tình hình dịch COVID-19 tại Vương quốc Anh.
Phiên này, chỉ số chứng khoán châu Á - Thái Bình Dương MSCI (không bao gồm Nhật Bản) giảm 0,2% sau khi liên tiếp lập đỉnh vào tuần trước.
Chỉ số Nikkei 225 của thị trường chứng khoán Tokyo (Nhật Bản) đã đảo ngược mức tăng lúc mở đầu phiên khi để mất 0,6% xuống 26.603,60 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc tiếp tục đà giảm từ lúc mở cửa do áp lực định giá gia tăng, sau khi thị trường này đã khép lại phiên trước ở mức cao nhất mọi thời đại. Chỉ số Kospi tại Seoul giảm 0,49% xuống 2.758,51 điểm.
Các thị trường Sydney, Singapore, Manila, Bangkok và Wellington cũng không nằm ngoài xu hướng giảm điểm.Trong khi đó, chứng khoán Trung Quốc có sự phân hóa dù cả hai chỉ số chính đều mở cửa trong sắc đỏ. Chỉ số Hang Seng trên thị trường Hong Kong giảm 0,16% (41,23 điểm) xuống 26.457,37 điểm. Ở chiều ngược lại, chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,58% (19,82 điểm) lên 3.414,72 điểm.