Chốt phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa tăng 2% lên 33.286,25 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 2,6% lên 4.277,89 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq tăng 3,6% lên 13.255,55 điểm.
Giá dầu đã giảm hơn 10% trong phiên 9/3, qua đó thúc đẩy đà tăng cho thị trường chứng khoán. Chuyên gia Peter Cardillo của công ty dịch vụ tài chính Spartan Capital Securities có trụ sở tại Mỹ nhận định sắc xanh của sàn chứng khoán phiên này là nhờ sự sụt giảm của giá dầu, song lưu ý thị trường sắp tới vẫn còn nhiều biến động. Theo chuyên gia này, chứng khoán vẫn chưa chạm đáy. Điều này đồng nghĩa với việc các chỉ số chứng khoán có thể lại đi xuống.
Trong những phiên gần đây, giá cổ phiếu đã chịu ảnh hưởng khi giá các mặt hàng trong đó có dầu mỏ tăng vọt giữa bối cảnh căng thẳng Nga-Ukraine dẫn đến các lệnh trừng phạt gay gắt từ các nước phương Tây.
Ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga. Anh cho biết sẽ giảm dần và chấm dứt nhập khẩu dầu mỏ từ Nga vào cuối năm nay. Các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) cũng đặt mục tiêu giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đánh đi những tín hiệu rõ ràng về khả năng cơ quan này sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên tại cuộc họp vào tuần để chống lạm phát. Dự kiến, số liệu về giá tiêu dùng sẽ được công bố ngày 10/3, với dự báo lạm phát tiếp tục tăng trong tháng Hai.
Tại Việt Nam, các chỉ số chứng khoán phiên 9/3 rung lắc khá mạnh và kết thúc ngày ở sát mốc giá tham chiếu. Chốt phiên giao dịch 9/3, VN-Index gần như đi ngang khi chỉ tăng nhẹ 0,03 điểm lên 1.473,74 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 930,3 triệu đơn vị, tương ứng hơn 30.518,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 209 mã tăng giá, 245 mã giảm giá và 49 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 1,29 điểm xuống 444,6 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 141,3 triệu đơn vị, tương ứng trên 4.075,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 115 mã tăng giá, 122 mã giảm giá, 56 mã đứng giá.