Chứng khoán Mỹ thoát khỏi làn sóng bán tháo

Các chỉ số chính của Phố Wall tăng điểm trong phiên giao dịch ngày 26/7, khi các nhà đầu tư quay trở lại với các cổ phiếu công nghệ lớn, vốn đã bị bán tháo mạnh trước đó trong tuần.

Chú thích ảnh
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Số liệu lạm phát cũng thúc đẩy tâm lý lạc quan rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Khép lại phiên này, chỉ số S&P 500 tăng 59,88 điểm, hay 1,11%, lên 5.459,10 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq ghi thêm 176,16 điểm, tương đương 1,03%, lên 17.357,88 điểm, còn chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 654,27 điểm, hay 1,64%, lên 40.589,34 điểm.

Cổ phiếu của 5 thành viên trong nhóm 7 công ty quyền lực, có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực công nghệ Mỹ, đã tăng giá trong phiên này, dẫn đầu là Meta Platforms với mức tăng 2,7%. Hai ngoại lệ là Tesla và Alphabet đều giảm 0,2%, trong đó cổ phiếu của Alphabet đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ ngày 2/5. Trước đó, kết quả lợi nhuận yếu của hai “ông lớn” Tesla và Alphabet  đã gây ra đợt bán tháo mạnh mẽ trong phiên 24/7.

Những cổ phiếu vốn hóa nhỏ, vốn nhạy cảm với nền kinh tế, cũng được hỗ trợ trong phiên này bởi số liệu về chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) tháng Sáu của Mỹ.

Theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) giảm xuống mức 2,5% trong tháng 6/2024, so với mức 2,6% trong tháng 5/2024. Số liệu này cho thấy lạm phát đang hạ nhiệt, từ đó có thể mở đường cho Fed bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng Chín tới.

Sau khi số liệu nói trên được công bố, theo công cụ FedWatch của CME, xác suất Fed cắt giảm lãi suất ở mức 0,25 điểm phần trăm tại cuộc họp tháng Chín theo dự đoán của thị trường vẫn ổn định ở mức khoảng 88%. Dữ liệu từ LSEG cho thấy các nhà giao dịch phần lớn vẫn dự đoán sẽ có hai lần hạ lãi suất trong năm nay.

Tuy nhiên, mức tăng của chứng khoán Mỹ trong phiên này không thể bù đắp hoàn toàn đà giảm của các chỉ số S&P 500 và Nasdaq trong các phiên trước đó, với hai chỉ số này đều ghi nhận tuần giảm điểm thứ hai liên tiếp, với các mức giảm lần lượt 0,82% và 2,08% trong tuần qua. Trong khi đó, chỉ số Dow Jones kết thúc tuần trong sắc xanh, với mức tăng 0,75%.

Trước đó, trong phiên giao dịch đầu tuần, chứng khoán Phố Wall xanh sàn nhờ đà tăng của nhóm cổ phiếu bán dẫn. Tuy nhiên, báo cáo lợi nhuận của Alphabet và Tesla đã làm giảm lòng tin của các nhà đầu tư vào các cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn, gây ra đợt bán tháo mạnh mẽ trên thị trường chứng khoán Mỹ trong ba phiên liên tiếp sau đó.
 
Nhà phân tích thị trường cao cấp David Morrison tại công ty cung cấp dịch vụ tài chính Trade Nation cho biết, các nhà đầu tư đang ngày càng trở nên lo lắng về báo cáo lợi nhuận của các công ty vào tuần tới.

Apple, Microsoft, Amazon.com và Meta sẽ công bố kết quả kinh doanh quý II/2024 trong tuần tới. Kết quả kinh doanh của các “ông lớn” công nghệ sẽ là yếu tố quyết định liệu đà tăng kỷ lục của năm 2024 có thể được duy trì hay không, hay liệu cổ phiếu Mỹ có đang được định giá quá cao hay không.

Ngoài ra, câu hỏi khác cũng đang được giới đầu tư quan tâm là liệu sự dịch chuyển khỏi các cổ phiếu vốn hóa lớn sang các ngành kém hiệu quả hơn có tiếp tục diễn ra hay không. Chỉ số Russell 2000 đại diện cho các cổ phiếu vốn hóa nhỏ đã ghi nhận tuần tăng điểm thứ ba liên tiếp trong hai tháng qua. Đây cũng là chuỗi tăng ba tuần tốt nhất của chỉ số này kể từ tháng 8/2022.

Khánh Ly/TTXVN (Tổng hợp)
Giá vàng, dầu và chứng khoán châu Á giảm chiều 25/7
Giá vàng, dầu và chứng khoán châu Á giảm chiều 25/7

Giá dầu giảm trong phiên giao dịch chiều 25/7 do lo ngại về nhu cầu yếu ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, và kỳ vọng về thỏa thuận ngừng bắn sắp tới ở Trung Đông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN