Chứng khoán giảm phiên thứ 3 liên tiếp, tài khoản mở mới tháng 9 giảm tốc

Thị trường chứng khoán diễn biến khá khó khăn trong phiên giao dịch hôm nay 4/10, chỉ số cứ chớm trồi lên khỏi mốc tham chiếu lập tức bị “kéo’ xuống trước áp lực bán tăng cao.

Đến cuối phiên giao dịch, có lẽ nhà đầu tư mất kiên nhẫn hơn nên áp lực bán càng tăng mạnh và chỉ số giảm nhanh.

Chú thích ảnh
Thị trường chứng khoán diễn biến khá khó khăn trong phiên giao dịch ngày 4/10. Ảnh minh họa: Hải Yên/Báo Tin tức

Chốt phiên giao dịch ngày 4/10, VN-Index giảm 7,5 điểm xuống 1.270,6 điểm. Đây là phiên giảm thứ 3 liên tiếp của chỉ số nay. Khối lượng giao dịch trên HOSE đạt hơn 610 triệu đơn vị, tương ứng trên 13.734,6 tỷ đồng. Toàn sàn có 101 mã tăng giá, 290 mã giảm giá và 61 mã đứng giá.

HNX-Index giảm 0,68 điểm xuống 232,67 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 54 triệu đơn vị, tương ứng hơn 1.1678,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 61 mã tăng giá, 86 mã giảm giá và 59 mã đứng giá.

UPCOM-Index giảm 0,31 điểm xuống 92,37 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 45,7 triệu đơn vị, tương ứng hơn 510,7 tỷ đồng. Toàn sàn có 127 mã tăng giá, 157 mã giảm giá và 136 mã đứng giá.

Hầu hết các nhóm cổ phiếu chìm trong sắc đỏ; trong đó, rổ VN30 có tới 22 mã giảm giá và chỉ có 5 mã tăng giá, 3 mã đứng ở tham chiếu. Cùng đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm sâu với EIB giảm 3,37%, NVB giảm 2,15%, VAB giảm 2,08%, VBB giảm 1,94%, STB tăng 1,93%. Các mã CTG, HDB, MBB, MSB, NAB, SSB, TCB, TPB đều giảm hơn 1%. Cổ phiếu ngân hàng vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán là VCB cũng giảm 0,32%.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán, xây dựng và vật liệu, bất động sản, du lịch và giải trí… chìm sâu trong sắc đỏ.

Ở chiều tăng giá, đáng chú ý nhất là nhóm cổ phiếu dầu khí, với PVE tăng 5%, PVB tăng 2,7%, PVS tăng 1,72%, PVD tăng 1,65%, PLX tăng 1,58%.

Giao dịch khối ngoại hôm nay khá tiêu cực khi họ bán ròng với giá trị 706 tỷ đồng trên toàn thị trường. Trên HOSE, khối ngoại bán ròng 572 tỷ đồng. VHM bị bán ròng mạnh nhất, với 230 tỷ đồng. Theo sau, VRE và VNM cũng bị bán ròng lần lượt là 62 tỷ đồng và 54 tỷ đồng.

Khối ngoại bán ròng 100 tỷ đồng trên thị trường UPCOM và 34 tỷ đồng trên HNX.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán đang gặp khó khăn trước mốc kháng cự tâm lý 1.300 điểm, thì lại có thêm thông tin số lượng tài khoản chứng khoán tháng 9 cũng tăng chậm lại.

Thực tế, VN-Index tăng nhẹ trong tháng 9 tuy nhiên mức tăng không đáng kể. Đáng chú ý, giao dịch trên thị trường rất ảm đạm với thanh khoản xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng.

Dòng tiền nội hạ nhiệt là nguyên nhân chính khiến giao dịch trên thị trường kém sôi động dù có nhiều luồng thông tin hỗ trợ tích cực.

Đến hiện tại, VN-Index đã thoái lui xa mốc 1.300 điểm sau khi không thể chinh phục thành công mốc này.

Theo số liệu từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng tài khoản của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm gần 160.000 tài khoản trong tháng 9/2024, giảm mạnh so với tháng trước. Số lượng tài khoản tăng thêm chủ yếu đến từ cá nhân trong khi tổ chức chỉ có thêm 90 tài khoản.

Luỹ kế từ đầu năm, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng 1,57 triệu tài khoản. Tính đến cuối tháng 9, nhà đầu tư cá nhân có tổng cộng hơn 8,8 triệu tài khoản, tương đương gần 9% dân số. Con số này đưa chứng khoán Việt Nam đến gần mục tiêu đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030.

Văn Giáp (TTXVN)
Thị trường chứng khoán chờ 'sóng' cuối năm
Thị trường chứng khoán chờ 'sóng' cuối năm

Thị trường chứng khoán Việt Nam đã đi được hơn 3/4 quãng đường năm 2024. Mặc dù vẫn chịu áp lực lớn trước ngưỡng tâm lý 1.300 điểm, nhưng với những yếu tố vĩ mô tích cực, chứng khoán Việt Nam được cho là vẫn có dư địa tăng trưởng trong quý cuối năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN