Các thị trường Thượng Hải, Tokyo, Sydney, Seoul, Singapore, Seoul, Mumbai, Wellington, Manila và Jakarta phiên này đều giảm điểm.
Chốt phiên 10/11, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,6%, xuống 29.106,78 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải giảm 0,4%, xuống 3.492,46 điểm. Trong khi đó, chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 0,7%, lên 24.996,14 điểm.
Các thị trường, đặc biệt là tại Mỹ, đã lập các kỷ lục mọi thời đại trong những tuần và những phiên giao dịch gần đây. Tuy nhiên, các nhà giao dịch vẫn lo ngại trước các số liệu cho thấy sức ép lạm phát trên toàn cầu gia tăng do các chuỗi cung ứng bị gián đoạn và nhu cầu mạnh.
Trước tình trạng đó, các ngân hàng trung ương ngày càng ủng hộ việc tăng lãi suất và rút lại các biện pháp hỗ trợ đã thực hiện khi đại dịch bùng phát, trong khi đây là động lực chính cho sự phục hồi của các thị trường chứng khoán trên toàn cầu trong 18 tháng qua.
Ngày 10/11, Trung Quốc công bố báo cáo cho thấy giá xuất xưởng tại các nhà máy trong tháng 10/2021 tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, lên mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ, do giá năng lượng tăng mạnh và nguồn cung bị ảnh hưởng khi các biện pháp phong tỏa được thực hiện tại nhiều khu vực.
Các số liệu cũng cho thấy lạm phát giá tiêu dùng tiếp tục tăng.
Các nhà lãnh đạo sẽ chịu áp lực khi vừa phải kiểm soát giá cả vừa phải hỗ trợ nền kinh tế, trong lúc đà phục hồi đứng trước những trở ngại do các đợt bùng phát dịch COVID-19 gần đây.
Báo cáo của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 9/11 cho thấy giá bán buôn tại nước này vẫn tăng trong tháng trước và các nhà quan sát cho rằng sự gia tăng này có thể tiếp tục trong năm nay. Chỉ số giá tiêu dùng sẽ được công bố trong ngày 10/11.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 10/11, chỉ số VN - Index tăng 3,52 điểm (0,24%) lên 1.465,02 điểm. Ngược lại, chỉ số HNX - Index tăng 5,6 điểm (1,29%) lên 438,24 điểm.