Chỉ số Nikkei tại sàn giao dịch chứng khoán Tokyo, Nhật Bản ngày 23/3. Ảnh: AFP/TTXVN |
Khi mùa công bố lợi nhuận quý I/2018 của khối doanh nghiệp được xem là khá thành công, giới phân tích vẫn quan ngại rằng kết quả tích cực này không thể giúp thị trường cổ phiếu bật tăng mạnh như kỳ vọng, mà thậm chí sẽ có đợt điều chỉnh nhẹ.
Hiện các nhà đầu tư đang dồn sự quan tâm vào các số liệu kinh tế vĩ mô quan trọng gồm báo cáo việc làm tháng Tư của Mỹ, qua đó phác thảo những nét mới nhất về bức tranh kinh tế Mỹ, bởi bên cạnh số liệu việc làm, tốc độ tăng lương cũng được xem là tín hiệu đánh giá triển vọng lạm phát.
Nhiều người bày tỏ quan ngại rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục chuyển biến tốt càng khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đẩy nhanh lộ trình nâng lãi suất. Điều này, kết hợp cùng với khả năng trong ngắn hạn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) chưa thắt chặt chính sách tiền tệ, đã đẩy đồng USD đi lên so với đồng euro và đồng bảng Anh, cũng như một số đồng tiền khác trong tuần qua.
Kết thúc phiên này, tại thị trường Seoul, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc giảm 25,87 điểm (1,04%), xuống 2.461,38 điểm. Trong khi đó, tại thị trường Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 cũng mất 0,6%, xuống 6.062,90 điểm. Các thị trường Singapore, Manila (Philippines) và Jakarta (Indonesia) cũng đồng loạt đỏ sàn. Tuy nhiên, thị trường Wellington (New Zealand) và Đài Bắc (Đài Loan) lại lên điểm.
Không nằm ngoài xu hướng chung, hai thị trường chứng khoán chủ chốt khác là Thượng Hải và Hong Kong cũng đồng loạt đi xuống, theo chân đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ trong đêm trước. Khép lại phiên cuối tuần này, chỉ số Hang Seng mất 386,87 điểm (1,28%), xuống 29.926,50 điểm. Chỉ số Shanghai Composite hạ 9,83 điểm (0,32%), xuống 3.091,03 điểm.
Tại cuộc đàm phán về thương mại đang diễn ra tại Bắc Kinh, Trung Quốc và Mỹ đã đạt được đồng thuận trong một số vấn đề về tranh chấp thương mại, song giữa hai bên vẫn còn những bất đồng tương đối lớn về một số nội dung khác.
Trong cuộc tham vấn thương mại kéo dài hai ngày giữa phái đoàn thương mại Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu và phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu, hai bên đã cam kết giải quyết các tranh chấp thương mại thông qua đối thoại, cũng như trao đổi các quan điểm về việc mở rộng hoạt động xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc. Hai bên cũng nhất trí thành lập một cơ chế làm việc chung nhằm duy trì liên lạc chặt chẽ.