Phiên này, chỉ số tổng hợp S&P 500 đã kết thúc phiên với kỷ lục đầu tiên kể từ đầu tháng 9/2021, khi các mã cổ phiếu của Tesla, American Airlines và Union Pacific đều tăng sau khi công bố báo cáo thu nhập mới nhất.
Theo đó, chỉ số S&P 500 tiến 0,3% lên 4.549,78 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,6% lên khép phiên ở mức 15.215,7 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones phiên này không đổi ở mức 35.603,08 điểm.
Ngược lại, các thị trường chứng khoán ở bên kia bờ Đại Tây Dương đều đi xuống. Theo đó, chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 0,5% xuống 7.190,30 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) để mất 0,3% xuống 15.472,56 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 0,3% xuống 6.686,17 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 0,4% xuống 4.155,73 điểm.
Một diễn biến đáng chú ý là cổ phiếu của tập đoàn bất động sản Trung Quốc Evergrande đã giảm hơn 10% trong phiên giao dịch đầu tiên sau hơn hai tuần tạm ngừng.
Trong một tuyên bố hôm thứ Tư, Evergrande cho biết một thỏa thuận bán 50,1% cổ phần trong chi nhánh dịch vụ bất động sản của họ với trị giá khoảng 2,58 tỷ USD đã thất bại. Tập đoàn cũng cảnh báo rằng họ có thể không đảm bảo đáp ứng được các nghĩa vụ nợ của mình.
Tình hình này một lần nữa làm dấy lên lo ngại về tác động của Evergrande đến nền kinh tế Trung Quốc rộng lớn hơn, với lĩnh vực bất động sản chiếm một phần lớn Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này và một số nhà phát triển khác gần đây không đáp ứng được thời hạn thanh toán nợ.
Các số liệu mới nhất công bố trong tuần này cho thấy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã chậm hơn so với dự kiến trong quý III/2021. Tuy nhiên, các quan chức hàng đầu của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) và các cơ quan quản lý khác vẫn khẳng định họ có thể kiểm soát được hậu quả từ cuộc khủng hoảng Evergrande.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch 21/10, chỉ số VN - Index giảm 0,65%, xuống 1.384,77 điểm. Tuy nhiên, chỉ số HNX - Index tăng 0,04%, lên 388,45 điểm.