Vào lúc 13 giờ 43 phút giờ Việt Nam, giá dầu Brent giảm 26 xu Mỹ (0,23%) xuống 112,90 USD/thùng, sau khi tăng hơn 1 USD lên 114,21 USD/thùng vào đầu phiên; còn giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) giảm 45 xu Mỹ (0,42%) xuống 107,76 USD/thùng, sau khi có lúc tăng lên 108,92 USD/thùng.
Trong phiên trước, giá cả hai mặt hàng dầu chủ chốt đã tăng hơn 1% khi tình trạng ngưng sản xuất tại Libya càng làm tăng thêm lo ngại về nguồn cung toàn cầu vốn đã bị thắt chặt vì cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tuy nhiên, sang phiên 19/4, giá dầu đang chịu sức ép khi đồng USD giao dịch ở mức cao nhất trong hai năm. Đồng bạc xanh mạnh hơn khiến các hàng hóa định giá bằng USD trở nên đắt đỏ hơn đối với những nhà đầu tư nắm giữ các tiền tệ khác.
Bên cạnh đó, thị trường “vàng đen” còn chịu tác động, trước dự đoán nhu cầu nhiên liệu tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, sẽ tăng khi các nhà máy tại Thượng Hải chuẩn bị mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, các chuyên gia lưu ý giá dầu vẫn dễ bị tác động bởi các cú sốc về nhu cầu khi Trung Quốc tiếp tục áp đặt các biện pháp hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Giám đốc điều hành công ty quản lý tài sản SPI Asset Management (Thụy Sỹ), Stephen Innes, nhận định để giá dầu tăng trưởng bền vững, việc mở cửa trở lại các thành phố tại Trung Quốc Đại lục là cần thiết để hỗ trợ nhu cầu dầu thông qua đà phục hồi kinh tế.
Theo một cuộc khảo sát do hãng Reuters tiến hành, dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần tính đến ngày 8/4 đã tăng 9,4 triệu thùng lên 421,8 triệu thùng, cao hơn nhiều so với dự báo tăng 863.000 thùng của các nhà phân tích trước đó.