Chỉ số MXV-Index tiếp tục nằm trên vùng đỉnh 9 tháng

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), sắc xanh bao phủ thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong phiên giao dịch ngày hôm qua (18/2).

Chú thích ảnh

Đặc biệt, trên thị trường năng lượng, 4 trên 5 mặt hàng đồng loạt tăng giá, trong đó, giá hai mặt hàng dầu thô bật tăng trước những lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung; giá khí tự nhiên cũng lên mức cao nhất trong ba tuần. Bên cạnh đó, nhóm nông sản cũng ghi nhận phiên giao dịch tích cực sau kỳ nghỉ lễ. Đóng cửa, lực mua áp đảo đã kéo chỉ số MXV-Index tăng 0,92% lên 2.371 điểm - mốc đỉnh kể từ cuối tháng 5/2024.

Giá khí tự nhiên vọt lên đỉnh trong ba tuần

Lực mua mạnh diễn ra trên thị trường năng lượng trong phiên giao dịch ngày hôm qua. Đáng chú ý, giá khí tự nhiên tăng xấp xỉ 8% lên  4,01 USD/MMBtu - mức cao nhất trong vòng ba tuần qua. Thời tiết khắc nghiệt tại nhiều khu vực trên khắp nước Mỹ đã khiến các giếng khoan dầu và khí đốt bị đóng băng. Theo cơ quan dự báo thời tiết của nước này, trong hai tuần tới, nhiệt độ sẽ tiếp tục giảm và nhu cầu sưởi ấm còn tăng cao hơn nữa. Với tình hình này, giá khí đốt nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi lên trong thời gian tới.

Diễn biến đồng pha, trên thị trường dầu thô, giá dầu thế giới cũng tăng đáng kể trong phiên giao dịch 18/2 sau hàng loạt sự cố ảnh hưởng đến nguồn cung toàn cầu. Cụ thể, giá dầu Brent tăng 0,82% lên 75,84 USD/thùng, trong khi dầu WTI tăng 1,57% (tương đương 1,11 USD) lên mức 71,85 USD/thùng.

Trước đó, trong phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu Brent đã tăng 48 cent ngay sau khi một máy bay không người lái của Ukraine tấn công trạm bơm trên đường ống Caspian Pipeline Consortium tại Nga – tuyến đường dẫn dầu từ Kazakhstan ra thị trường thế giới. Vụ tấn công làm giảm lượng dầu chảy qua đường ống từ 30-40%, tương đương khoảng 380.000 thùng mỗi ngày.

Chú thích ảnh

Tiếp sau đó, cùng ngày, nguồn cung dầu toàn cầu tiếp tục chịu áp lực khi cảng Novorossiisk ở Biển Đen của Nga phải tạm dừng hoạt động bốc hàng do bão. Đồng thời, tình hình thời tiết khắc nghiệt cũng tác động đến thị trường Mỹ, khi đợt lạnh đột ngột khiến sản lượng dầu tại tiểu bang sản xuất lớn thứ ba giảm tới 150.000 thùng mỗi ngày, theo ước tính của Cơ quan Đường ống Bắc Dakota. 

Mặc dù giá dầu đang tăng mạnh, giới đầu tư vẫn giữ thái độ thận trọng khi chờ đợi tín hiệu từ cuộc gặp giữa Mỹ và Nga về vấn đề Ukraine tại Ả Rập Saudi. Trong bối cảnh đó, một thông tin rò rỉ cho biết các nước G7 đã soạn thảo tuyên bố đề xuất hạ mức giá trần hiện hành đối với dầu thô Nga xuống còn 60 USD/thùng, dự kiến sẽ được công bố vào ngày 24/2 tới.

Sản lượng dầu thô của Nga hiện đã giảm xuống còn 8,96 triệu thùng/ngày, thấp hơn 16.000 thùng so với hạn ngạch đã thỏa thuận với OPEC+. Nếu đạt được thỏa thuận, Washington và các đồng minh có thể dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với nguồn cung dầu Nga. Bên cạnh đó, thị trường cũng đang chờ đợi quyết định cuối cùng của OPEC+ về kế hoạch tăng nguồn cung dầu từ tháng 4.  

Ngoài ra, chính phủ Brazil – nước xuất khẩu dầu lớn thứ 7 thế giới đã đồng ý gia nhập OPEC+, nhưng theo các chuyên gia, quốc gia này sẽ không bị ràng buộc bởi các cam kết cắt giảm sản lượng.
Giá đậu tương ghi nhận phiên tăng thứ 3 liên tiếp

Quay trở lại sau kỳ nghỉ lễ Presidents’ Day, giá đậu tương chịu sức ép ngay khi mở cửa. Sau đó, thị trường đã nhanh chóng hồi phục mạnh mẽ, do những lo ngại về tình hình nguồn cung tại Nam Mỹ. Khép lại phiên giao dịch, giá đậu tương tăng nhẹ 0,24% lên mức 381 USD/tấn, ghi nhận phiên thứ ba liên tiếp đóng cửa trong sắc xanh. 

Thời tiết tiếp tục là yếu tố hỗ trợ khi lo ngại về sản lượng Nam Mỹ sụt giảm vẫn tồn tại, bất chấp xu hướng thuận lợi gần đây ở hầu hết khu vực canh tác tại Argentina và Brazil. Ngày hôm qua, Tiến sĩ Cordonnier, chuyên gia lĩnh vực nông sản khu vực Nam Mỹ dự báo sản lượng đậu tương niên vụ 2024-2025 của Argentina sẽ chỉ ở mức 48 triệu tấn, giảm 1 triệu tấn so với báo cáo trước do mưa không đều và nhiệt độ cao.

Trong khi đó tại Brazil, Công ty tư vấn nông nghiệp AgRural cho biết, tính đến ngày 13/2, tiến độ thu hoạch đậu tương niên vụ 2024-2025 của nước này đã đạt 23% diện tích trồng, tăng 8 điểm phần trăm so với tuần trước đó và thấp hơn so với mức 32% cùng kỳ năm ngoái.

Chú thích ảnh

Hoạt động thu hoạch đậu tương chậm trễ đang ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Brazil trong tháng này. Hiệp hội các Nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Quốc gia (Anec) vào hôm qua đã hạ dự báo xuất khẩu tháng 2 của Brazil xuống còn 9,72 triệu tấn, giảm từ 10,10 triệu tuần trước. Đây là yếu tố đã thúc đẩy lực mua đối với đậu tương vào hôm qua. 

Ở chiều ngược lại, trong báo cáo Giao hàng xuất khẩu (Export Inspections), Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết giao hàng đậu tương của nước này trong tuần kết thúc ngày 13/2 chỉ đạt 720.000 tấn, giảm mạnh so với mức 1,09 triệu tấn trong tuần trước. Sự sụt giảm của các đơn hàng xuất khẩu là yếu tố đã kìm hãm đà tăng của giá trong phiên vừa rồi. 

Giá dầu đậu tương cũng tăng hơn 2,5% vào hôm qua, lên mức cao nhất trong vòng ba tháng. Trong báo cáo mới nhất, Hiệp hội các nhà chế biến hạt có dầu quốc gia Mỹ (NOPA) cho biết tồn kho dầu đậu tương tại Mỹ trong tháng 1 ở mức cao nhất 6 tháng, nhưng thấp hơn kỳ vọng thị trường do sản lượng ép dầu thấp và nhu cầu nhiên liệu sinh học tăng mạnh. 

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV)
Chỉ số MXV-Index quay lại vùng đỉnh trong vòng 9 tháng
Chỉ số MXV-Index quay lại vùng đỉnh trong vòng 9 tháng

Dòng tiền đầu tư tiếp tục đổ mạnh vào thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới trong ngày giao dịch hôm qua (13/2).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN