Giá kim loại quý tăng mạnh sau báo cáo lạm phát Mỹ
Khép lại ngày giao dịch 15/5, nhờ sự hỗ trợ kép từ cả yếu tố vĩ mô và cung cầu, giá các mặt hàng kim loại thi nhau chinh phục các mức đỉnh mới. Đối với kim loại quý, giá bạc và giá bạch kim đồng loạt tăng mạnh sau khi Mỹ công bố dữ liệu lạm phát yếu hơn dự kiến, củng cố cho kỳ vọng hạ lãi suất. Chốt ngày, giá bạc thiết lập mức đỉnh cao nhất 11 năm sau khi bật tăng 3,58%. Đây cũng là phiên ghi nhận mức tăng mạnh nhất của giá bạc trong hơn 1 tháng. Giá bạch kim tăng 2,44% lên 1.070,1 USD/ounce, mức cao nhất trong vòng 1 năm trở lại đây.
Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ tăng 0,3% so với tháng trước, thấp hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo. So với cùng kỳ năm ngoái, CPI tháng 4 của Mỹ tăng 3,4%, phù hợp với dự báo và hạ nhiệt từ mức tăng 3,5% của tháng 3, cho thấy lạm phát tại Mỹ có dấu hiệu suy yếu trở lại sau khi tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm.
Kết hợp với dữ liệu lao động yếu được công bố gần đây, việc lạm phát Mỹ giảm trở lại càng củng cố cho kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất. Đồng USD giảm mạnh sau khi số liệu được công bố, chỉ số Dollar Index kết phiên giảm 0,64% về 104,35 điểm, mức thấp nhất một tháng. Áp lực lãi suất suy giảm trong khi chi phí đầu tư trở nên rẻ hơn đã thúc đẩy nhà đầu tư phân bổ dòng tiền sang thị trường kim loại quý.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX tăng 0,6%, vững vàng neo ở vùng giá cao nhất hai năm do sự hỗ trợ từ đồng USD giảm giá kết hợp với rủi ro nguồn cung gián đoạn. Đáng chú ý, đã có thời điểm giá đồng tăng lên mức đỉnh cao nhất lịch sử. Tuy vậy, hoạt động bán chốt lời của nhà đầu tư đã khiến giá đồng thu hẹp đà tăng về cuối phiên.
Theo Bloomberg đưa tin, tài xế tại các công ty vận tải thuộc Liên đoàn Lực lượng Phương Bắc (CTFN) của Chile, nhà cung cấp đồng lớn nhất thế giới, đang tổ chức các cuộc biểu tình vô thời hạn ở Santiago và khu vực miền bắc giàu khoáng sản. Các cuộc biểu tình đã chặn một phần đường cao tốc, điều này có thể gây gián đoạn tới việc vận chuyển và xuất khẩu đồng.
Ở chiều ngược lại, giá quặng sắt tiếp tục giảm về 113,64 USD/tấn, mức thấp nhất 3 tuần, do lo ngại nhu cầu yếu tại Trung Quốc khi mùa tiêu thụ cao điểm dần kết thúc. Các chuyên gia trong ngành cho biết nhu cầu thép tại Trung Quốc đã có dấu hiệu suy giảm vào tháng 5 và nhu cầu nguyên liệu thô cũng chậm lại.
Tồn kho xăng dầu Mỹ giảm kéo giá phục hồi
Mặc dù gặp áp lực trong nửa đầu ngày giao dịch 15/5 do những sự hoài nghi về mức độ tuân thủ cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), nhưng giá dầu đã phục hồi rõ rệt vào nửa cuối phiên. Tồn kho xăng dầu Mỹ giảm, cùng với kỳ vọng tích cực hơn trong việc kiểm soát lạm phát tại Mỹ đã thúc đẩy lực mua quay trở lại. Đóng cửa, giá dầu WTI tăng 0,78% lên 78,63 USD/thùng. Dầu Brent tăng 0,45% lên 82,75 USD/thùng.
Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) cho biết tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 10/5 đã giảm 2,5 triệu thùng, nhiều hơn so với dự báo giảm 500.000 thùng trong cuộc thăm dò của Reuters. Tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất cũng giảm nhẹ, phản ánh nhu cầu nhiên liệu có tín hiệu tích cực trước mùa lái xe cao điểm. Giá dầu đã phục hồi rõ rệt sau báo cáo trên.
Cùng mang tính hỗ trợ cho giá dầu, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) trong báo cáo tháng 5 đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trung bình năm 2024 thấp hơn 140.000 thùng/ngày so với báo cáo trước, nhưng dự báo tăng trưởng nguồn cung thấp hơn đến 190.000 thùng/ngày so với báo cáo tháng 4. Như vậy, IEA đánh giá thị trường dầu sẽ thâm hụt trung bình khoảng 70.000 thùng/ngày trong năm nay, so với chỉ 20.000 thùng/ngày trong dự báo trước đó.
Bên cạnh đó, một trận cháy rừng lớn tiến đến Fort McMurray, trung tâm công nghiệp cát dầu của Canada sản xuất 3,3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày, tương đương 2/3 tổng sản lượng quốc gia này, cũng đã hỗ trợ tâm lý mua dầu.
Về mặt vĩ mô, đồng USD giảm giá ngay sau dữ liệu lạm phát Mỹ, củng cố lực mua dầu do chi phí bớt đắt đỏ hơn.