Hồi tháng 6, Công ty thép Yongjin của Trung Quốc tái khởi động việc xin cấp phép đầu tư dự án tại tỉnh Đồng Nai sau 1 năm bị từ chối cấp phép vì không nằm trong quy hoạch, nguồn cung dư thừa, tình trạng thiếu năng lượng, thiếu năng lực huy động vốn… Nhiều doanh nghiệp (DN) thép Việt Nam đã phản đối dự án thép này vì lo ngại tình trạng gian lận xuất xứ.
Kho hàng thép cuộn tại nhà máy thép Han ở Handan, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, ngày 21/4. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong bối cảnh ngành thép Trung Quốc đối diện với vấn đề thừa cung, giảm sản lượng thép và di dời các nhà máy sản xuất thép ra nước ngoài, việc cấp phép cho một dự án như vậy tại Việt Nam cần rất thận trọng bởi Trung Quốc có thể thông qua Việt Nam tiêu thụ sắt thép dư thừa và công nghệ lạc hậu.
Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, mặt hàng thép của Trung Quốc đang bị Mỹ đánh thuế rất cao nên thay vì xuất khẩu sang Mỹ thì Trung Quốc đã từng xuất sang Việt Nam và đội lốt xuất xứ Việt Nam để sang Mỹ. Thực tế thời gian qua, Mỹ đã tiến hành điều tra và áp thuế đối với một số trường hợp sắt thép của Việt Nam thuộc dạng này. Do đó, Việt Nam cần phải cẩn trọng.
Cuối năm ngoái, Bộ Thương mại Mỹ cũng ra phán quyết áp các mức thuế cao dành cho thép nhập khẩu của Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc, sau khi phát hiện các nhà sản xuất thép Trung Quốc đã trốn tránh các lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp của Mỹ.
Trước đó, năm 2016, Bộ Công thương đã phát hiện Công ty TNHH thương mại dịch vụ Khiết Tâm (TP Hồ Chí Minh) và Công ty TNHH Quốc Việt (Long An) có dấu hiệu vi phạm về xuất xứ hàng hóa Việt Nam khi xuất sang EU các mặt hàng sắt thép thực chất có xuất xứ Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc).
Đây là những bài học kinh nghiệm sâu sắc để thép Việt không tiếp tục đi vào vết xe đổ. Nguy cơ này không phải xa xôi mà đã diễn ra và có thể sẽ diễn ra nhiều hơn khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một leo thang.
Các DN thép Mỹ cho rằng từ năm 2015, sau khi áp thuế chống bán phá giá nhằm vào thép Trung Quốc thì lượng thép nhập khẩu vẫn chảy mạnh vào thị trường Mỹ từ các quốc gia khác, đặc biệt từ Việt Nam. Ngành thép Mỹ cho rằng sản phẩm được gia công ở Việt Nam nhưng 90% giá trị sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sưa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam thừa nhận có tình trạng thép Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đội lốt thép Việt Nam. Ông cho rằng vấn đề này đang được giải quyết, năng lực sản xuất thép cuộn cán nóng của Việt Nam đã đủ để tạo nên CO (giấy chứng nhận xuất xứ, nguồn gốc hàng hóa), không phụ thuộc nhập nguyên liệu từ Trung Quốc.
Hiệp hội Thép cũng khuyến cáo các doanh nghiệp không nên tiếp tay cho việc chuyển xuất xứ từ thép Trung Quốc sang Việt Nam để xuất khẩu sang các nước khác.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Sưa, tới đây, ngành thép sẽ khó tránh khỏi những ảnh hưởng và sụt giảm tỷ trọng xuất khẩu khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung diễn ra.
Theo các DN thép, kim ngạch xuất khẩu thép của Việt Nam vào thị trường Mỹ đạt khoảng 500.000 tấn trên tổng số 40 triệu tấn thép nhập khẩu (chiếm tỷ lệ khoảng 1,25%). Con số này không quá lớn. Để thép Việt không bị Mỹ áp thêm thuế vạ lây Trung Quốc, các DN cần trung thực về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm. Không nên vì cái lợi trước mắt mà đánh mất uy tín trên thương trường.
Thép Việt gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Ảnh minh họa: Anh Tôn/TTXVN |
Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ, việc Mỹ áp thuế cao đối với hàng hoá Trung Quốc nhập khẩu vào thị trường này sẽ không ngoại trừ khả năng hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt và chuyện này cũng đã diễn ra khá nhiều trong thời gian qua. Nếu thời gian tới đây nhiều vụ việc điều tra chống bán phá giá do nghi ngờ là hàng Trung Quốc đội lốt diễn ra sẽ rất tai hại đối với hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả thì đề nghị nhìn nhận vấn đề này từ cả 2 phía. Phía Trung Quốc muốn mượn xuất xứ Việt Nam để vào thị trường Mỹ vốn rất khó tính. Tuy nhiên kể từ khi Mỹ áp thuế với tất cả mặt hàng thép vào nước mình thì lợi nhuận thu được từ việc mượn xuất xứ này cũng không còn cao nữa. Ngược lại, có những DN thép nhỏ của Việt Nam cũng vì cái lợi trước mắt mà hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc làm giả xuất xứ thép để thu lời.
Ở một góc nhìn khác, ông Đỗ Duy Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty Thép Việt, cho rằng hiện lượng thép của Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ chỉ chiếm khoảng 10% tổng lượng thép cả nước xuất đi các thị trường nên không ảnh hưởng trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, khi thép của Trung Quốc không xuất được qua Mỹ sẽ tràn sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam để "núp bóng", lấy xuất xứ rồi xuất khẩu sang Mỹ.
"Đây mới là điều DN ngành thép lo ngại. Việc cần làm của cơ quan quản lý lúc này là có chính sách ngăn chặn nguy cơ thép Trung Quốc tràn vào Việt Nam, lấy xuất xứ rồi xuất khẩu sang Mỹ. Khi đó, cả thép của DN Việt cũng có nguy cơ bị Mỹ đánh thuế chống bán phá giá" - ông Thái bày tỏ.